Khi bị gai cột sống, nhiều người nghĩ rằng khi cắt gai đi thì bệnh sẽ khỏi. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp sau phẫu thuật, gai vẫn mọc lại, tiếp tục làm đau và khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.

Gai cột sống (GCS) là sự phát triển thêm của xương trên thân đốt, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi và thường gặp ở nam giới. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới GCS là quá trình thoái hóa cột sống dẫn tới bào mòn, mất dần sụn khớp làm biến đổi thành phần cấu tạo xương, tăng khả năng vôi hóa (gai hóa) cột sống. Bên cạnh đó, GCS còn là hậu quả của bệnh viêm cột sống mạn tính, do chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống... Bệnh thường gây đau tại các vị trí: vai, cổ, vùng thắt lưng; cơn đau lan xuống các chi gây cảm giác tê tay, tê chân..., đôi khi làm giới hạn vận động. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị liệt.

Trong điều trị GCS, bác sĩ thường dùng cho bệnh nhân nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm dãn cơ... nhưng dễ gây tác dụng phụ như loét dạ dày, độc với gan, thận... Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu... để giảm đau hoặc dùng một số dụng cụ nâng đỡ như đai đeo cổ nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh. Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh và gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại - tiểu tiện. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, gai xương vẫn có thể mọc lại ở cùng vị trí cũ vì thực tế quá trình hình thành gai xương là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm.

Hoàng Mai

 

Bình luận