Đừng để viêm thanh quản kéo dài
Do tính chất công việc, những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như: người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cổ động viên... bị kích ứng dây thanh quá mức, dẫn đến viêm thanh quản. Bên cạnh đó, những người phải làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, hay bị nhiễm cúm cũng dễ khiến dây thanh bị viêm nhiễm.
Triệu chứng của viêm thanh quản là nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt; sau đó đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Ngoài ra, khi soi thanh quản thấy niêm mạc sung huyết, dây thanh phù nề, xuất tiết nhầy...Tiếp đến, giọng nói của bệnh nhân bị khản, đôi khi khản đặc, thậm chí mất tiếng. Bệnh tiến triển trong vài ngày đến 1 tuần lễ, ho khan sẽ chuyển dần sang có đờm. Các triệu chứng khác thuyên giảm dần nếu viêm nhiễm không tiếp tục lan xuống dưới, gây viêm khí phế quản. Những sự cố về giọng nói gây cho bệnh nhân nhiều khó chịu và phiền toái trong cuộc sống, thậm chí có người phải nghỉ việc, bỏ nghề mình yêu thích.
Với viêm thanh quản cấp tính, việc điều trị tập trung vào cải thiện triệu chứng khản tiếng, mất tiếng, viêm phù nề... Nếu để dai dẳng, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, dẫn đến hạt xơ dây thanh, pôlip dây thanh... sẽ khó khăn hơn trong điều trị.
Trong những ngày đầu mới viêm, người bệnh cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, uống nhiều nước trà ấm, kiêng nói, không hút thuốc, kiêng rượu và các gia vị kích thích như tiêu, ớt.
Thu Nga
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 20/8/2011)
Bình luận