Đột quỵ và xu hướng “trẻ hóa”
Chúng ta thường nghĩ đột quỵ não chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nhưng trên thực tế, căn bệnh này đang có xu hướng “trẻ hóa”.
Theo thống kê, cứ 5 nạn nhân đột quỵ thì có 1 người dưới 45 tuổi. Các yếu tố như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường,… đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Điều đáng sợ là triệu chứng đột quỵ ở những người trẻ có thể hơi khác so với người lớn tuổi nên thường bị chẩn đoán nhầm. Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ bao gồm: lú lẫn, mê sảng, co giật, đột ngột buồn ngủ, buồn nôn và nôn.
Đột quỵ ở người trẻ tuổi phần lớn có nguyên nhân từ lối sống không lành mạnh (Ảnh minh họa)
Đột quỵ đang có xu hướng “trẻ hóa” phần lớn do lối sống không lành mạnh ở nhiều người trẻ tuổi như nghiện thuốc lá, rượu bia; chế độ ăn uống thiếu khoa học... Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ngừa thai chứa estrogen làm tăng xác suất máu đông gây tắc mạch. Bên cạnh đó, thói quen lười vận động gây nên tình trạng béo phì hay căng thẳng quá mức trong cuộc sống và công việc cũng góp phần đẩy đột quỵ đến gần hơn với những người trẻ tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo tình trạng bệnh tật, đau ốm, tử vong do đột quỵ gây ra sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới vào năm 2030, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Cách đơn giản để phòng bệnh là cần thay đổi lối sống: vận động nhiều hơn, tăng cường tập thể dục; điều chỉnh cân nặng ở mức hợp lý; ngừng hút thuốc lá, hạn chế thức uống có cồn, các chất gây nghiện;... và khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bình luận