Mắc vẩy nến luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đây là bệnh mạn tính, khó chữa nên đòi hỏi bệnh nhân phải thật kiên trì, nhẫn nại điều trị.

 

Vẩy nến xuất hiện trên da, lan rất nhanh nếu không được khống chế, khiến làn da trở nên xù xì, thô ráp, có dấu hiệu bong tróc như da rắn. Khu vực xuất hiện vẩy nến nhiều nhất là vùng khuỷu tay, đầu gối, lưng, da đầu. Nhiều trường hợp vẩy nến ở móng tay, móng chân, móng trở nên giòn, vụn, dễ gãy.

Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp làm hạn chế vận động (vẩy nến thể khớp); da bệnh nhân bị nổi mụn mủ ở bàn tay, bàn chân hoặc rải rác khắp người (thể mụn mủ); vẩy nến cũng có thể làm cho da bị đỏ không hồi phục, căng đau (thể đỏ da toàn thân). Bệnh nhân vẩy nến có tâm lý tự ti, cô lập xã hội, ngại giao tiếp với mọi người, luôn lo lắng, sốt sắng, căng thẳng thần kinh, điều này khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

 

Để điều trị vẩy nến hiệu quả, người bệnh cần từ bỏ thói quen hút thuốc, cai rượu bia, không lạm dụng thuốc điều trị, cần bảo vệ da trước khi ra ngoài vì ánh nắng mặt trời có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Cách giúp giảm vẩy nến đơn giản là bệnh nhân có thể ngâm mình trong nước ấm từ 10 đến 15 phút, sau đó dùng loại kem bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng quang hóa, chiếu tia cực tím cũng là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao đối với vẩy nến thể nặng. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải được bác sĩ tư vấn vì có thể gây ung thư da.

 

 

 

 

Hằng Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 29/10/2011)

Bình luận