Điều trị vẩy nến da đầu
Nguyên nhân mắc vẩy nến có thể do một số yếu tố như: cơ địa nhạy cảm với bệnh vẩy nến liên quan đến gen, bệnh lý toàn thân, gan mật, chuyển hóa, stress tinh thần, rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể... Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở da đầu và vùng bị tỳ đè (khuỷu tay, lưng, mông..), khu trú một vùng hoặc rải rác nhiều nơi, có khi khắp toàn thân, đối xứng hai bên. Người bệnh thấy xuất hiện các đám vẩy nến từ vài milimet đến vài centimet, giới hạn rõ, hơi gồ cao, nền cứng. Một số trường hợp vẩy trắng lan rộng có viền đỏ xung quanh. Các vẩy thường nhiều tầng, nhiều lớp, dễ bong, khi cạo vụn ra như vết nến rơi lả tả. Vẩy tái tạo rất nhanh, bong lớp này thì lớp khác lại đùn lên, số lượng nhiều.
Vẩy nến ở da đầu thường là các đám mảng đỏ, nền cộm, mọc lấn ra trán thành một viền gọi là vành vẩy nến. Tóc vẫn mọc xuyên qua tổn thương. Vùng sau tai biểu hiện đỏ, nứt, có khi xuất tiết và dễ nhầm với viêm da đầu... Người bệnh cảm thấy ngứa ít hoặc nhiều, thường ngứa nhiều ở giai đoạn đang tiến triển. Một số người bệnh không ngứa mà chỉ có cảm giác vướng víu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Có rất nhiều loại thuốc đã được sử dụng trong điều trị vẩy nến, từ thuốc cổ điển (asen, bismut, DDS) đến hiện đại (kháng sinh, corticoid, cyclosporin, methotrexat, interferon, interleukin...). Tuy nhiên, các thuốc trên có khá nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân cần lưu ý khi sử dụng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chiếu tia PUVA (quang hóa trị liệu) nhưng tỷ lệ tái phát cao và dễ dẫn đến ung thư da.
Thu Nga
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 23/8/2011)
Bình luận