Điều trị thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối thường gây đau khi vận động, đặc biệt, khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, động tác đi bộ lên- xuống cầu thang; đau giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có thể cảm nhận tiếng khớp lạo xạo khi vận động, gấp, duỗi khớp gối đau. Khớp có thể biến dạng, sưng hoặc lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X. Hình ảnh X quang điển hình của thoái hóa khớp gối bao gồm hình ảnh hẹp khe khớp không đều (thường hẹp nhiều ở mặt trong), kết đặc xương dưới sụn, hình ảnh mọc thêm xương (gai xương, chồi xương).
Điều trị thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì vận động khớp. Với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như mát xa, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn...). Hoặc có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein. Ở mức độ nặng hơn có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối... Tuy nhiên, việc tiêm trực tiếp vào khớp phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tiến hành trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân bị hạn chế vận động nhiều, hẹp khe khớp, biến dạng khớp, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi khớp, đục xương chỉnh trục, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.
Quốc Tuấn
(Theo Tin tức - Ngày 30/6/2011)
Bình luận