Cột sống có vai trò như trục nâng đỡ cơ thể, nó bị thoái hóa khi chịu bất kỳ tác động cơ học nào. Thoái hóa cột sống gây đau đớn, thậm chí có thể bị liệt, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Việc nhận biết sớm dấu hiệu và điều trị đúng cách là điều thiết yếu để hạn chế tối đa sự tiến triển của bệnh.


Thoái hóa cột sống thường gặp ở những vùng chịu lực nhiều như: cổ, thắt lưng với biểu hiện chính là đau âm ỉ, tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, đau lan tỏa ra vùng xung quanh (2 bả vai, vùng hông, chi dưới...)


Trong điều trị thoái hóa cột sống, các phương pháp hiện nay thường nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn chặn cơn đau tái phát và làm chậm quá trình thoái hoá. Việc điều trị cần kết hợp: điều trị toàn thân, tại chỗ đau và nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, trong cơn đau dữ dội, đột ngột, người bệnh cần nghỉ ngơi, bất động chỗ đau. Bác sĩ có thể sử dụng cho bệnh nhân các thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc dãn cơ. Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây độc với gan thận, loét đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, bệnh nhân được chỉ định các biện pháp xoa bóp, bấm huyệt châm cứu, kéo dãn cột sống, thậm chí phải phẫu thuật tốn kém.

Ở bệnh nhân thoái hóa cột sống, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Bệnh nhân nên ăn đủ chất để giúp cơ thể khoẻ mạnh và mau hồi phục. Các loại thực phẩm tốt cho người bị thoái hóa cột sống bao gồm: thịt nạc, trứng, tôm, cua, sữa chua...vì chứa nhiều canxi, magie, mà không làm tăng cholesterol trong máu; nên hạn chế đường và tinh bột, hạn chế ăn mặn; nên uống nhiều nước chanh, cam, táo, bưởi; ăn nhiều rau xanh như: rau cải, dền, muống, giá đỗ....

 

Thu Nga

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 25/10/2011)

Bình luận