Bệnh vẩy nến có biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ với vẩy trắng phủ lên như sáp nến, phân biệt ranh giới rất rõ với vùng da lành xung quanh, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, thẩm mỹ của bệnh nhân.


Rối loạn hệ thống miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây bệnh vẩy nến. Thông thường, một tế bào da trưởng thành và chết đi trong khoảng 28-30 ngày. Nhưng tế bào da của người bị vẩy nến chỉ có chu kỳ sống khoảng 3-4 ngày. Các tế bào da chết bám thành mảng trên bề mặt vùng bị bệnh, khi cạo bong ra từng lớp mỏng giống như sáp nến. Bên cạnh đó, bệnh vẩy nến còn có một số biểu hiện khác như: móng tay, móng chân trở nên xù xì, giòn, dễ gãy; sưng, đau và biến dạng các khớp (vẩy nến thể móng khớp); xuất hiện các mụn mủ ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc khắp người (thể mụn mủ); hoặc làm cho da ở toàn thân bị đỏ, căng không hồi phục (thể đỏ da toàn thân)...


Vẩy nến thường gây ngứa ngáy, khó chịu. Nguyên nhân là do vùng da bị bệnh kích thích những sợi thần kinh dưới da, gây ngứa, thôi thúc bệnh nhân phải cào, gãi, dẫn tới tình trạng dễ nhiễm khuẩn. Do đó, các bác sĩ da liễu thường khuyên bệnh nhân không nên cào gãi. Một trong những phương pháp đơn giản để giảm ngứa ở người bị vẩy nến là giữ ẩm da: đắp khăn ướt lên vùng da bị ngứa, ngâm da trong nước ấm khoảng 15 phút sau đó thoa kem dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác như: sử dụng thuốc kháng histamin, capsaicin, thuốc tê thoa tại chỗ, thuốc điều hoà miễn dịch, thuốc chống trầm cảm... Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây tác dụng phụ, vì vậy cần được sự chỉ định của bác sĩ.

Minh Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 1/11/2011)

Bình luận