Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 8 triệu người bị suy thận mạn. Con số này ngày càng gia tăng và nếu không được điều trị đúng cách, suy thận sẽ nặng dần theo thời gian.

 


Triệu chứng của suy thận thường xuất hiện khi chức năng thận chỉ còn lại 1/10 so với mức bình thường. Người bệnh có các dấu hiệu: phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần, tăng creatinin huyết hoặc protein niệu...


Những nguyên nhân cơ bản gây suy thận bao gồm: 40% do đái tháo đường, 30% do tăng huyết áp, 10% do viêm cầu thận, ngoài ra còn do sỏi thận, lupus ban đỏ, bệnh thận bẩm sinh, suy tim và cũng có thể là hậu quả của việc dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận.


Thấy chân sưng phù, người mệt mỏi, xanh xao, chán ăn, sút cân, phải nghỉ làm... ông Nguyễn Thế Bồng ở tỉnh Bắc Giang đi khám thì phát hiện bị suy thận độ II. Dù đã tuân thủ theo đơn thuốc, nhưng một tháng sau, ông khám lại thì suy thận đã tăng lên độ IIIa, và có thể sẽ còn tiến triển nặng hơn.


Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học là giải pháp giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc suy thận. Theo đó, bệnh nhân không nên ăn nhiều những thức ăn giàu canxi như nghêu, sò, tôm, cua; ăn nhạt... Uống nhiều nước là biện pháp hiệu quả để giúp thận lọc chất độc, cặn bã có thể tạo thành sỏi thận ra ngoài tốt hơn.
Việc điều trị bảo tồn ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp cải thiện triệu chứng, tăng cường chức năng và làm chậm quá trình suy thận. Ở giai đoạn suy thận nặng, bệnh nhân cần được điều trị thay thế bằng lọc máu hoặc ghép thận để kéo dài sự sống, tuy nhiên chi phí rất tốn kém.

 

Thu Nga

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 17/12/2011)

 

Bình luận