Điều trị không đúng cách, khản tiếng dễ tái phát
Viêm thanh quản thường khiến bệnh nhân bị khản tiếng, mất tiếng, ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản: những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, làm việc trong môi trường ô nhiễm, ngồi lâu trong điều hòa... Đặc biệt, người do công việc phải nói nhiều, nói to, liên tục như giáo viên, ca sĩ, bán hàng, tư vấn, phát thanh viên... rất dễ bị khản tiếng, mất tiếng bởi viêm thanh quản.
Cụ thể như trường hợp chị Nguyễn Trân Huyền (Đội Cấn, Hà Nội), là nhân viên tư vấn khách hàng qua điện thoại, chị bị khản tiếng từ năm 2007. Dù chị đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng bệnh chỉ đỡ tạm thời, sau một thời gian lại tái phát, thậm chí có khi mất hẳn tiếng.
Triệu chứng đầu tiên của một đợt viêm thanh quản cấp thường là nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt, sau đó đau họng, có cảm giác nóng khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho. Tiếp đến, giọng nói bị khản, có đờm trong cổ họng, thậm chí mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp viêm thanh quản dẫn tới hạt xơ dây thanh, pôlip dây thanh, u nang dây thanh, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
Vấn đề quan trọng trong điều trị viêm thanh quản là người bệnh phải hạn chế nói, không tắm nước lạnh, giữ ấm phần cổ, ngực để dây thanh có thể phục hồi sớm nhất. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc chống viêm corticoid, kháng sinh, nhóm dung dịch chứa muối kiềm natri. Tuy nhiên, việc sử dụng những nhóm thuốc này trong thời gian dài có nhiều nguy cơ gây kháng thuốc và gặp một số tác dụng phụ.
Thanh Hoa
(Theo Phụ nữ thủ đô- Ngày 14/12/2011)
Bình luận