Bệnh suy thận mạn gây suy giảm từ từ chức năng thận, thường tiến triển qua nhiều giai đoạn và cần có phương pháp điều trị hợp lý cho từng giai đoạn này.

Những nguyên nhân cơ bản gây bệnh bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, sỏi thận, lupus ban đỏ, bệnh thận bẩm sinh, suy tim,... và cũng có thể là hậu quả của việc dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận.

Các triệu chứng của suy thận thường xuất hiện muộn, thậm chí khi chức năng thận chỉ còn lại 1/10 so với mức bình thường. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là: phù, thiếu máu, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần, tăng huyết áp, xét nghiệm tăng creatinin huyết, protein niệu,... Quá trình suy thận thường diễn biến kéo dài qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu, thận chỉ bị tổn thương, mức lọc cầu thận (GFR) bình thường hoặc tăng nhẹ... Đến giai đoạn nặng nhất- giai đoạn 5 (GFR<15ml/phút), bệnh nhân có thể phải chạy thận, ghép thận để duy trì sự sống. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị hợp lý, suy thận sẽ dẫn đến các biến chứng tim mạch như viêm màng ngoài tim, suy tim, sung huyết và cao huyết áp,...

Theo các chuyên gia về thận tiết niệu, chế độ ăn uống hợp lý cũng góp phần quan trọng làm chậm tiến trình suy thận. Bệnh nhân nên giảm muối (nếu có phù), hạn chế đạm, không nên ăn phủ tạng động vật, hạn chế những thực phẩm giàu kali (chuối, nho, cam, rau dền,...).

Về điều trị, ở các giai đoạn đầu, bệnh nhân cần được điều trị bảo tồn, dùng thuốc kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm góp phần cải thiện triệu chứng của suy thận mạn (phù, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu...), kiểm soát các bệnh nguyên nhân như: tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi thận,... nhằm làm chậm tiến trình suy thận sang giai đoạn nặng. Đến giai đoạn cuối, chỉ số urê huyết cao, mức lọc cầu thận <15ml/phút, bệnh nhân cần được chỉ định lọc máu ngoài thận. Nếu đã bước vào suy thận giai đoạn cuối thì ghép thận là cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém, nguồn tạng cung cấp rất hạn chế.

 

Quốc Tuấn

Bình luận