Điều trị bệnh gút theo hướng nào?
Bệnh gút hay thống phong) là một loại bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin khi cơ thể dư thừa quá nhiều chất đạm. Triệu chứng thường thấy là những đợt viêm cấp tính, xuất hiện đột ngột, dữ dội, hay xảy ra vào ban đêm với biểu hiện: viêm sưng các khớp xương, nhất là ngón chân cái có thể bị sưng to, phù nề, căng bóng; kèm theo những dấu hiệu toàn thân như: mệt mỏi, sốt cao, khát nước... Bệnh gây hậu quả nặng nề: hư khớp, sỏi thận, suy thận...
Hiện nay, để hạn chế cơn gút cấp, bệnh nhân thường được chỉ định dùng các thuốc như: Colchicin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid... Nhìn chung, các thuốc này làm giảm triệu chứng rất nhanh, nhưng ngược lại, có thể gây một số tác dụng không mong muốn, đặc biệt là chứng rối loạn đường tiêu hóa, giảm bạch cầu trung tính, hủy hoại tủy xương nếu dùng liều cao...thậm chí, có thể gây sỏi thận, suy thận cùng nhiều biến chứng khác.
Trong dân gian, từ lâu người ta đã biết sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng làm giảm axit uric trong máu, tăng đào thải chất độc hại ra khỏi cơ thể để điều trị gút. Một trong những thảo dược hay được sử dụng đó là Trạch tả. Nghiên cứu cho thấy, Trạch tả có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, tăng đào thải natri, kali, clo, làm tăng chuyển hóa lipid trong gan và hạ đường huyết. Đặc biệt, Trạch tả còn làm tăng đào thải axit uric - nguyên nhân chính gây bệnh gút, tránh lắng đọng tinh thể axit uric ở các khớp xương.
Lê Đạt
(Theo Sức khỏe đời sống - Ngày 14/6/2011)
Bình luận