Đề phòng viêm thanh quản chuyển sang mạn tính
Viêm thanh quản là bệnh thường gặp gây khản tiếng, mất tiếng. Do vậy, người bệnh cần sớm điều trị ngay ở giai đoạn đầu, nếu để viêm thanh quản chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do tính chất công việc, những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như: người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cổ động viên... dễ bị kích ứng dây thanh quá mức, dẫn đến tổn thương dây thanh. Ngoài ra, những người phải làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm cũng khiến cho dây thanh bị viêm, dẫn đến bị khản tiếng, mất tiếng.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh là rối loạn phát âm, khản tiếng, mất tiếng, giọng đôi (do liệt một dây thanh); khó thở thanh quản... Khi bị viêm thanh quản cấp tính, niêm mạc và dây thanh đỏ, sung huyết, phù nề... người bệnh có thể được bác sĩ chữa trị bằng cách xông, hạ sốt, dùng thuốc giảm phù nề và kháng sinh chống nhiễm khuẩn... kết hợp với tránh nói to, không uống nước đá lạnh, tránh khói thuốc lá, không dùng rượu.
Thông thường, viêm thanh quản cấp sẽ thuyên giảm ở tuần thứ hai trở đi. Nếu không chữa trị dứt điểm, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc điều trị lúc này sẽ khó khăn hơn... Khi viêm thanh quản xuất hiện polyp dây thanh, hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, bệnh nhân rất có thể phải điều trị bằng phẫu thuật.
Bình luận