Gút thứ phát chiếm tỷ lệ thấp (5-10%) nhưng thường nặng và khó điều trị hơn so với gút nguyên phát. Việc dùng thuốc tây y dài ngày là một trong những nguyên nhân gây gút thứ phát hoặc làm bệnh nặng thêm. Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần được sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Một trong những nguyên nhân khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao, gây bệnh gút thứ phát là do việc dùng thuốc điều trị các bệnh khác. Bình thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 420 micromol/lít với nam và 360 micromol/lít với nữ. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận,... thường phải uống thuốc lợi tiểu, đều có khả năng làm tăng axit uric trong máu do cản trở thải axit uric qua đường tiểu. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc chống lao, aspirin liều thấp, cyclosporin (với bệnh nhân ghép thận hay tim) và lạm dụng corticoid đều khiến nồng độ axit uric tăng cao, dẫn đến ứ đọng tinh thể urat tại khớp, gây viêm khớp do gút. Ngoài ra, những thuốc hóa trị liệu điều trị ung thư (đặc biệt ung thư máu) cũng là nguyên nhân gây gút thứ phát.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút là cơn đau xuất hiện đột ngột, sưng, nóng, đỏ ở một số khớp (phổ biến là khớp ngón chân cái) và có thể kèm sốt nhẹ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ làm tổn thương nhiều khớp, có thể gây những biến chứng: suy thận, tăng huyết áp,...Hiện nay, thuốc điều trị gút thường được các bác sĩ dùng cho bệnh nhân là colchicin, allopurinol, thuốc giảm đau chống viêm không steroid... Tuy nhiên, những thuốc này dễ gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, dị ứng, độc với gan, thận...

 

Mi Anh

(Theo daidoanket.vn)

Bình luận