Triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân gút là những đợt viêm cấp tính xuất hiện đột ngột, dữ dội, hay xảy ra vào ban đêm với biểu hiện: viêm sưng các khớp xương, nhất là ngón chân cái có thể bị sưng to, phù nề, căng bóng; kèm theo những dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, khát nước... Trường hợp không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, những đợt viêm cấp tiếp tục tái diễn, xuất hiện các hạt tophi dưới da (các u cục), nếu vỡ sẽ gây loét và hoại tử rất khó chữa lành. Ngoài ra, gút còn gây hủy hoại khớp, đầu xương, tổn thương thận (sỏi thận, thận ứ nước ứ mủ, suy thận), tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...

Bệnh gút dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn, nếu điều trị bằng nhiều loại kháng sinh khác nhau sẽ có nguy cơ bị dị ứng thuốc, thậm chí có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, bệnh gút còn dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm khớp dạng thấp. Nếu điều trị tràn lan bằng thuốc corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm sẽ dễ bị biến chứng loãng xương, loét đường tiêu hóa, hoặc biến chứng trên cơ quan tạo máu...

Ăn uống không hợp lý là yếu tố làm xuất hiện bệnh và tăng nguy cơ tái phát cơn gút cấp. Vì vậy thực hiện chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bệnh nhân có thể phòng tránh và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm do bệnh gút gây ra.

Hiện nay, gút thường được điều trị bằng Colchicin hoặc nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid, Corticoid, nhóm thuốc làm giảm axit uric máu như: Allopurinol, Probenecid... Tuy nhiên, các thuốc này gây nhiều tác dụng không mong muốn như buồn nôn, tiêu chảy, suy thận, giảm bạch cầu...

 

Thanh Hòa
(Theo Phụ nữ Việt Nam - Ngày 24/6/2011)

 

Bình luận