Viêm khớp dạng thấp (VKDT) có biểu hiện lâm sàng đa dạng và nguy cơ gây biến chứng cao. Một trong những dấu hiệu để nhận biết VKDT là hiện tượng đau đối xứng ở các khớp. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc VKDT cao gấp 3 lần so với nam giới và hay gặp ở độ tuổi 30 - 60. VKDT thường khởi phát từ từ, kéo dài từng đợt, có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh tiến triển rất nhanh, dẫn đến tổn thương sụn khớp và đầu xương.

Thống kê cho thấy: dấu hiệu quan trọng và thường gặp nhất (95-98%) ở bệnh nhân VKDT là sưng, đau có tính chất đối xứng tại các khớp nhỏ như: khớp cổ tay, bàn ngón tay, khớp cổ chân, bàn ngón chân... Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể kèm theo dấu hiệu "phá gỉ khớp buổi sáng": khớp bị dính, cứng lại và cử động rất khó khăn. VKDT là bệnh dễ tái phát. Nếu không có chế độ dự phòng, điều trị đúng cách thì người bệnh có thể bị biến dạng khớp, mất chức năng vận động khớp và gây tàn phế. Ngoài những triệu chứng trên, VKDT còn có các biểu hiện toàn thân như: sốt, mệt mỏi, xanh xao, gầy sút,... và ảnh hưởng tới một số bộ phận khác (tim, gan, thận...).

Có nhiều lựa chọn trong các phương pháp điều trị VKDT, bác sĩ có thể điều trị riêng rẽ hoặc kết hợp giữa điều trị bảo tồn với thay đổi thói quen sinh hoạt, tập luyện hàng ngày để cải thiện sức khỏe. Các thuốc tây y được dùng để điều trị VKDT thường là nhóm thuốc chống viêm giảm đau, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm nhằm giảm đợt tiến triển cấp của bệnh, làm chậm quá trình huỷ hoại khớp. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc này lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, chức năng gan, thận... của người bệnh.

Thanh Hoa

 

Bình luận