Hiện nay, người ta chia bệnh gút thành 2 loại là gút thứ phát và gút nguyên phát. Gút thứ phát chiếm tỷ lệ khoảng 5-10% trong tổng số bệnh nhân mắc gút, nhưng thường nặng và khó điều trị hơn so với gút nguyên phát.

Gút thứ phát có nguyên nhân do tăng axit uric máu thứ phát bởi các bệnh lý: huyết học, suy thận, suy giáp, đái tháo đường nhiễm toan, hội chứng down, tăng huyết áp, ung thư...; hoặc dùng các loại thuốc điều trị như: aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc lao, nhóm salicylat, corticoid... gây nên.

Biểu hiện cơn gút cấp tính là tình trạng đau khớp dữ dội, rát bỏng, sưng, đỏ, thường xuất hiện ở các khớp nhỏ như: bàn- ngón chân cái, khớp gối, cổ chân, ngón chân... Thời điểm cơn đau xuất hiện thường là nửa đêm về sáng, sau các bữa ăn có nhiều đạm, uống bia rượu...

Việc điều trị gút cần bắt đầu sớm với hai mục tiêu là điều trị cơ bản và triệu chứng. Điều trị triệu chứng nhằm chấm dứt quá trình viêm gút cấp, thuốc kinh điển thường dùng là colchicin; thuốc giảm đau chống viêm không steroid; thuốc hạ axit uric máu; kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ vì tác dụng phụ của những loại thuốc này như: sỏi thận, suy thận, rối loạn cơ quan tạo máu...

 

Mai Phương

(Theo Sức khỏe & Đời sống, ngày 15/11/2011)

 

Bình luận