U nang buồng trứng là bệnh lành tính khá phổ biến, chiếm khoảng 80% các khối u buồng trứng. Khối u có thể chỉ là u cơ năng do rối loạn hoạt động nội tiết, nhưng có khi là u thực thể xuất phát từ bệnh lý và gây nhiều biến chứng. Việc khám phụ khoa định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng sẽ giúp chị em phát hiện bệnh sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.

U nang buồng trứng khi kích thước còn nhỏ thường rất ít biểu hiện triệu chứng, trong khi đa số phụ nữ Việt Nam không có thói quen đi khám phụ khoa, do vậy, bệnh nhân thường chỉ phát hiện ra khối u khi siêu âm ổ bụng hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Không ít trường hợp gặp những biến chứng nguy hiểm như: chèn ép các tạng xung quanh, xoắn u nang, vỡ nang,...

Khi khối u đã lớn, có thể chèn ép bàng quang gây đái rắt, chèn ép trực tràng gây táo bón, đôi khi chèn ép niệu quản dẫn tới ứ nước bể thận,... Xoắn u nang thường xuất hiện với những khối u cuống dài gây đau bụng dữ dội, liên tục, có thể buồn nôn, nôn,... Vỡ nang khiến bệnh nhân đau bụng đột ngột, liên tục, một số trường hợp gây chảy máu trong ổ bụng. Sau khi vỡ nang, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, bụng trướng,...

Đối với u nang cơ năng thường không cần điều trị vì nó tự mất đi sau vài vòng kinh. Ngược lại, với u nang thực thể cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh biến chứng. Tùy theo kích thước, tính chất khối u cũng như nguyện vọng sinh đẻ của bệnh nhân mà bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật triệt để, cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bị bệnh hay chỉ bóc tách khối u, để lại phần buồng trứng lành. Tuy nhiên, sau phẫu thuật u nang buồng trứng, tỉ lệ tái phát khá cao, do đó người bệnh nên có biện pháp ngăn ngừa tái phát.

 

Bình luận