Các di chứng về vận động sau đột quỵ não
Theo thống kê, sau đột quỵ não (ĐQN), khoảng 1/3 trường hợp bị liệt nửa người, sau 6 tháng, khoảng 2/3 số bệnh nhân ĐQN không thể sinh hoạt trở lại bình thường .
ĐQN thường khởi phát đột ngột, có biểu hiện như: rối loạn ý thức, đau đầu, nôn, nói khó,... Đây là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng thứ hai trên thế giới và là bệnh gây tàn phế hàng đầu hiện nay, vì trong trường hợp cấp cứu kịp thời, bệnh nhân may mắn được cứu sống nhưng có thể phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, liệt toàn thân, sống thực vật,...
Theo thống kê, khoảng 90% bệnh nhân ĐQN có di chứng về vận động và chỉ 10% phục hồi hoàn toàn còn lại đều phải chịu di chứng với các mức độ: tự đi lại và tự chăm sóc bản thân (20-35%), đi lại khó khăn phải có trợ giúp một phần trong sinh hoạt (20-30%) hay bệnh nhân phải nhờ sự chăm sóc hoàn toàn (10-25%). Mức độ nặng của di chứng phụ thuộc vào tình trạng bệnh và đặc biệt là quá trình chăm sóc sau ĐQN. Khoảng thời gian giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất là trong 1 năm đầu kể từ khi bị đột quỵ.
Trong quá trình điều trị, trước hết, người bệnh cần điều trị phục hồi vùng tế bào não bị tổn thương bằng các thuốc như: thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu huyết khối, thuốc giãn mạch, thuốc bảo vệ tế bào thần kinh,... Sau đó, bệnh nhân cần được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt để phòng các biến chứng sớm (loét điểm tỳ, viêm phổi - phế quản) và một số biến chứng muộn (cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, huyết khối tĩnh mạch sâu). Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kết hợp châm cứu, xoa bóp... giúp cải thiện vận động cho bệnh nhân.
Thanh Bình
Bình luận