Bệnh nhân gút và những lưu ý khi ăn uống
Bệnh gút thường khởi phát đột ngột sau một bữa ăn uống thịnh soạn, nhiều chất đạm và rượu bia... Thực hiện ăn uống khoa học được xem là giải pháp hiệu quả giúp bệnh nhân phòng ngừa và ngăn chặn cơn gút cấp tái phát.
Theo các chuyên gia, bệnh gút là một dạng viêm khớp được đặc trưng bởi cơn đau khớp dữ dội và đột ngột, kèm theo đó là sưng đỏ khớp. Bệnh thường khởi phát đột ngột vào ban đêm và hay gặp lần đầu ở khớp ngón chân cái, sau đó lan ra các khớp khác như: khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay....
Nguyên nhân của bệnh gút là do rối loạn chuyển hóa chất purin làm tăng acid uric trong máu. Khi các loại thực phẩm giàu nhân purin đưa vào cơ thể được phân hủy thành acid uric thì nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng cao. Thực phẩm có nhiều chất purin mà người bị gút nên hạn chế bao gồm: phủ tạng động vật, các loại thịt chó, bò, trâu, cừu, ngan, vịt, ngỗng và hải sản như tôm, mực; thịt chứa nhiều mỡ, sữa có nhiều chất béo, bia, thực phẩm sấy khô (cá khô, mực khô, thịt hun khói) và các chất ngọt nhân tạo. Người bị gút nên sử dụng thức ăn chứa ít nhân purin như: ngũ cốc, trứng, hoa quả... Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, chè, cần uống đủ lượng nước lọc hàng ngày.
Khi đang lên cơn đau gút cấp, bệnh nhân chỉ nên ăn cơm, bánh mì, bột ngũ cốc, trái cây, rau (trừ rau dền) và hạn chế sử dụng chất đạm. Khi hết cơn đau, có thể sử dụng một số thức ăn có hàm lượng purin vừa như: các loại quả họ đậu, thịt gà, cá nhưng lượng ít. Đối với người béo, cần có chế độ ăn uống giảm cân ở mức hợp lý.
Trong điều trị gút, các thuốc thường được sử dụng là: thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs), Colchicin, Corticoid.... Tuy nhiên các thuốc này dễ gây nhiều tác dụng phụ như: rối loạn đường tiêu hóa, gây độc cho thận, tăng nguy cơ sỏi thận....
Hằng Phương
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 30/8/2011)
Bình luận