Gút thường khởi phát đột ngột, mạnh mẽ với những cơn đau dữ dội, biểu hiện đầu tiên ở khớp ngón chân cái, sau đó lan ra các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, cổ tay. Gút có triệu chứng sưng, nóng đỏ, đau tại khớp, cơn đau thường kéo dài từ 3 -5 ngày rồi khỏi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời gút sẽ quay lại thường xuyên hơn và gây các biến chứng nguy hiểm.

Căn nguyên của bệnh gút thường do ăn uống không đúng cách và thận không đào thải kịp thời acid uric ra khỏi cơ thể. Bệnh gút xuất hiện do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch chống lại sự sản sinh các tinh thể acid uric trong khớp xương. Acid uric là một sản phẩm thoái hóa trong cơ thể và thường được đào thải khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, nếu nồng độ acid uric trong máu quá cao, máu có thể bị bão hòa acid uric, từ đó hình thành các tinh thể muối urate lắng đọng tại các khớp gây viêm, đau khớp.

Bệnh gút cần được điều trị kịp thời để ngăn chặn những biến chứng. Nếu bệnh nhân càng cố chịu đựng, các triệu chứng sẽ gia tăng và làm cho bệnh khó chữa trị. Những thuốc thường dùng để điều trị bệnh gút là các thuốc như: colchicin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid... hay các thuốc làm giảm nồng độ acid uric trong máu như allopurinol, probenecid... Để điều trị có hiệu quả cần thường xuyên kiểm tra acid uric máu và chức năng thận. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được chẩn đoán và điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, tăng huyết áp...

 

Quốc Tuấn
(Theo Tin tức - Ngày 16/6/2011)

 

 

Bình luận