Basedow – căn bệnh không thể chủ quan
Basedow là căn bệnh cường giáp mức độ nặng, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 40. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Basedow (hay còn gọi là bệnh graves, hoặc basedow-graves) xuất hiện do tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến hàm lượng hormone tăng cao, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho rằng, đây là một bệnh tự miễn, tức là cơ thể người bệnh tự sinh ra các kháng thể chống lại chính mình. Ngoài ra, một số yếu tố khác khiến bệnh khởi phát như: căng thẳng, chấn thương thần kinh, nhiễm khuẩn và đặc biệt là yếu tố di truyền.
Ảnh minh họa.
Người bị basedow thường gặp các triệu chứng điển hình như bướu cổ, rối loạn tim mạch, thân nhiệt, lồi mắt,... Bệnh còn ảnh hưởng tới chức năng sinh dục của cả nam và nữ. Phụ nữ dễ lãnh cảm, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh; ở nam giới là tình trạng liệt dương, vú to. Basedow diễn biến thành từng đợt cấp nối tiếp nhau, khiến người bệnh bị suy kiệt sức khoẻ và gặp một số biến chứng về tim mạch (suy tim, rối loạn nhịp tim), mắt (giảm thị lực, thậm chí mù lòa), thần kinh (bệnh nhân mỏi cơ cực độ, thậm chí bị liệt),… Ngoài ra, còn có thể xuất hiện tình trạng cơn “bão giáp”: sốt cao (có khi đến 40-41 độ C), rối loạn tâm thần, kích động, mê sảng, tim đập rất nhanh (có khi lên đến trên 150 lần/phút), thậm chí là tử vong.
Để điều trị bệnh basedow, bác sĩ thường dùng các phương pháp điều trị nội khoa hoặc xạ trị bằng i-ốt 131, nếu ở giai đoạn nặng thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Phương pháp điều trị nội khoa là phương pháp bảo tồn, tuy nhiên tương đối tốn kém, đòi hỏi bệnh nhân phải uống thuốc kéo dài. Hầu hết các trường hợp đáp ứng thuốc, nhưng khi ngừng thuốc, bệnh rất hay tái phát (2/3 bệnh nhân tái phát trong vòng 2 năm sau khi ngừng điều trị).
Vương Giáp
Bình luận