Nếu như cách đây 2 thập niên, tình trạng tăng axit uric ở Việt Nam ước tính chỉ 1%-2% dân số thì hiện nay đã lên tới 9% (khoảng 8 triệu người). Lượng axit uric cao ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như mạch máu, tim, màng não, mắt..., song phổ biến nhất là gút - một bệnh liên quan đến phản ứng viêm khớp do tăng axit uric.

Axit uric là một chất thải hình thành bởi quá trình chuyển hóa chất purin có trong các tế bào của cơ thể. Giai đoạn đầu, người bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ nồng độ axit uric trong máu cao. Việc tăng nhập purin hoặc giảm xuất axit uric đều dẫn đến tăng axit uric trong máu. Khi lượng axit uric trong cơ thể tăng lên, xuất hiện ở màng hoạt dịch khớp, gây nên phản ứng viêm cấp tính với cường độ lớn, dẫn đến sưng đỏ, nóng và đau nhức khớp dữ dội.

Đa phần bệnh nhân gút khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển. Nếu không được điều trị tiếp tục, các cơn đau sẽ tái phát ngày càng nặng. Giai đoạn muộn, có thể xuất hiện hạt tophi xung quanh khớp, dễ lở, loét và khó liền, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Các thuốc thường dùng điều trị bệnh gút hiện nay là colchicin, thuốc hạ axit uric (allopurinol), thuốc giảm đau chống viêm không steroid... Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, dị ứng, sỏi thận,...

Hà Nguyễn

(Theo daidoanket.vn)

 

Bình luận