Bệnh gút dễ xảy ra ở những người có nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Do đó, các yếu tố làm tăng nồng độ acid uric như ăn nhiều phủ tạng động vật, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá hoặc bị chấn thương... có thể dẫn tới nguy cơ bị bệnh gút. Bệnh có biểu hiện cấp tính, xảy ra một cách đột ngột, thường vào lúc nửa đêm và không có dấu hiệu gì báo trước. Gút hay khởi phát từ khớp ngón chân cái. Trong cơn gút cấp, bệnh nhân đau dữ dội, cảm giác như một sợi lông gà chạm vào cũng không thể chịu nổi.

Ăn uống điều độ, khoa học là giải pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa bệnh gút. Những người thừa cân, béo phì cần có kế hoạch ăn uống giảm cân. Những người bị gút nên kiêng một số thực phẩm có khả năng làm tăng nồng độ acid uric trong máu như phủ tạng động vật, thức ăn giàu đạm: tôm, cua, thịt chó,.. kiêng một số loại thức uống như rượu, bia... Bên cạnh đó, nên ăn một số loại hoa quả như dâu tây, chuối, bưởi... Dâu tây giúp làm giảm tình trạng viêm do có chứa nhiều vitamin C so với các trái cây khác. Dâu tây cũng có chứa chất quecritin giúp làm giảm sưng. Chuối, bưởi có rất nhiều kali, một chất quan trọng trong việc điều trị gút. Kali giúp thận tăng đào thải tinh thể urate qua nước tiểu... Nhìn chung bệnh nhân gút cần thực hiện theo một chế độ ăn đặc biệt.

Về dùng thuốc, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc làm giảm acid uric máu (như allopurinol, sulphipyrazone). Ngoài ra, trong đợt gút cấp, bệnh nhân có thể dùng các thuốc như colchicin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid... Những trường hợp bị biến dạng khớp do gút, hạt tophi bị vỡ, biện pháp phẫu thuật sẽ giúp cho bệnh nhân cải thiện chức năng và cử động khớp.

Lê Dũng
(Theo Tin tức - Ngày 20/6/2011)

 

 

Bình luận