Ai dễ bị thoái hóa khớp bàn tay?
Theo thống kê, tại Việt Nam, thoái hóa khớp (THK) bàn tay đứng hàng thứ tư trong các vị trí THK thường gặp. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng THK bàn tay làm hạn chế vận động và gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy những đối tượng nào dễ mắc THK bàn tay?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến THK bàn tay, trong đó, yếu tố tuổi tác và giới tính có sự chi phối rõ nhất. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ với tỷ lệ mắc cao gấp 3 lần so với nam giới. Nguyên nhân khiến THK bàn tay hay gặp ở người cao tuổi là do quá trình thoái hóa làm lượng máu đến nuôi dưỡng các khớp bàn tay giảm sút và sụn khớp bị lão hóa, khiến khớp bàn tay dễ tổn thương. Mặt khác, tỷ lệ bệnh nhân THK bàn tay là nữ giới chiếm đến 75% do tính chất công việc hàng ngày của chị em (giặt giũ, chăm sóc con cái, nội trợ,...) phải làm việc nhiều với bàn tay, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt canxi thường xảy ra ở người cao tuổi và phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh cũng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Ngoài ra, THK bàn tay cũng có thể gặp sau chấn thương, gãy xương hoặc mắc một số bệnh như: viêm khớp dạng thấp, gút, đái tháo đường,...
THK bàn tay khiến người bệnh có cảm giác đau khi vận động, giảm lúc nghỉ ngơi. Cơn đau có thể kéo dài khoảng 15-30 phút, kèm theo sưng nhẹ, cứng khớp lúc ngủ dậy. THK bàn tay khiến người bệnh khó thực hiện các động tác hàng ngày như: cầm, nắm,... và hạn chế vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn tới teo cơ bàn tay và biến dạng ngón tay. Các bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng nhóm thuốc giảm đau chống viêm, thuốc chống THK tác dụng chậm hay vật lý trị liệu hoặc nẹp bất động khớp trong trường hợp quá đau. Tuy nhiên, việc dùng thuốc tây y có thể gây nhiều tác dụng phụ như: loét dạ dày, độc với gan thận và cơ quan tạo máu,...
Quốc Anh
Bình luận