Tình trạng sưng đau đối xứng do viêm khớp dạng thấp (VKDT) thường ở các khớp nhỏ như: bàn ngón tay, bàn ngón chân, cổ chân, đầu gối... và thường kèm theo cứng khớp buổi sáng, gây khó khăn cho sinh hoạt của người bệnh.

Ở giai đoạn khởi phát, VKDT có những biểu hiện nhẹ, tổn thương lan toả nhiều khớp nhỏ, kéo dài từ vài tuần tới vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Ở giai đoạn này, các khớp viêm tiến triển nặng dần, ảnh hưởng thêm đến nhiều khớp khác. Đặc biệt, 95% bệnh nhân bị viêm khớp đối xứng, biểu hiện là sưng, đau nhiều, hạn chế vận động, ít nóng đỏ kèm theo các dấu hiệu toàn thân như: gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, xanh xao, xuất hiện các nốt thấp dưới da ở quanh khớp bị viêm. Nếu không điều trị kịp thời, VKDT có thể dẫn đến dính, biến dạng khớp, hoặc teo cơ rõ rệt ở quanh khớp bị tổn thương do không vận động được.

Bệnh nhân VKDT phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị như: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, tái giáo dục lao động nghề nghiệp. Các thuốc được sử dụng chủ yếu là thuốc chống viêm, giảm đau. Những thuốc này giúp giảm đau, giảm viêm nhanh, tuy nhiên thường gây nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, bệnh nhân phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị vật lý trị liệu như: dùng tia laser, suối nước khoáng, vận động ...cũng là phương pháp nhằm hạn chế di chứng của bệnh.

 

Vân Hà

(Theo Phụ nữ Việt Nam, số ra ngày 7/10/2011)

 

Bình luận