Nguyên nhân gây lupus ban đỏ là do cơ thể bị rối loạn hệ thống miễn dịch. Nhiều bác sĩ da liễu còn cho rằng: các yếu tố nguy cơ là môi trường, uống thuốc không phù hợp, di truyền; ngoài ra, ánh nắng mặt trời cũng là tác nhân gây khởi phát và làm bệnh nặng hơn.

Triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn tiến từ từ trong thời gian dài. Hầu hết bệnh nhân đều có dấu hiệu gầy sút, mệt mỏi, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ... Khoảng 3/4 số bệnh nhân nổi các ban đỏ bất thường trên da (điển hình là ban cánh bướm ở mặt). Trong giai đoạn toàn phát, có thể xuất hiện các tổn thương nội tạng, thần kinh, mạch máu như: tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, thiếu máu... Đây là bệnh gây tử vong thứ 3, chỉ sau các bệnh tim mạch và ung thư.

Để điều trị, ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống các chất dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, phải tuyệt đối tránh ánh nắng, các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời rất nguy hại đối với bệnh nhân lupus ban đỏ. Mọi người nên phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang tránh nắng mỗi khi ra đường, hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể khởi phát bệnh như: hydralazine, procainamide, d-penicillamine, thuốc chống co giật...

Những loại thuốc đặc trị thường được bác sĩ khuyên dùng là thuốc kháng sốt rét tổng hợp (hay DDS); kháng viêm không steroid (đối với người có viêm khớp); corticoid (liều dùng 20 - 30mg/ngày). Trường hợp bệnh bị tổn thương nội tạng nặng thì dùng corticoid liều cao (1mg/kg/ngày) kết hợp chế độ ăn nhiều đạm. Tuy nhiên bệnh nhân cần hết sức cẩn trọng vì các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

 

Nguyễn Hằng
(Theo Phụ nữ Việt Nam - Ngày 13/6/2011)

 

Bình luận