50% phụ nữ bị u xơ tử cung không có triệu chứng
Ước tính có khoảng 20-25% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ mắc u xơ tử cung (UXTC). Trong đó, hơn 50% phụ nữ bị UXTC không biểu hiện triệu chứng trong thời gian đầu. Một số khác thường có các biểu hiện như cảm thấy bụng to ra, đau bụng dưới, rong kinh kéo dài,... Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể gặp biến chứng đáng tiếc.
Đa số bệnh nhân UXTC không có triệu chứng cụ thể khi kích thước khối u còn nhỏ. Thông thường, khối u có thể chỉ được phát hiện khi chị em khám sức khỏe tổng quát hoặc siêu âm ổ bụng để chẩn đoán một bệnh khác. Lúc này khối u đã to và có thể gây biến chứng. Triệu chứng của UXTC là ra khí hư nhiều, dịch thường trong, đôi khi loãng như nước và ngày một nhiều hơn. Sau đó, bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt, thời gian hành kinh kéo dài hơn (rong kinh), lượng huyết ra nhiều hơn bình thường. Khi khối u xơ đã lớn, huyết không ra theo chu kỳ nữa mà có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào (rong huyết). Tình trạng ra huyết kéo dài dẫn đến thiếu máu, khiến bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi. Kèm theo đó là đau bụng hoặc đau lưng vùng thấp cũng có thể nghĩ đến UXTC. Trong chu kỳ kinh, bệnh nhân thường bị đau quặn bụng. Nếu khối u lớn, bệnh nhân có thể bí tiểu tiện do bị chèn ép bàng quang, hoặc táo bón nếu khối u chèn ép vào trực tràng.
Khi các triệu chứng của UXTC tăng lên thì có thể dẫn đến các biến chứng, trong đó thường gặp và nguy hiểm nhất là chảy máu nhiều (băng kinh), nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. UXTC cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, chiếm 2-3% các cặp vợ chồng hiếm muộn do u xơ làm biến dạng lòng tử cung, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, gây sảy thai, chết lưu, vỡ ối sớm; nếu u xơ chèn ép lên vòi tử cung cũng gây khó khăn cho việc thụ thai.
Về điều trị, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng các thuốc chống viêm không steroid, thuốc tránh thai bằng đường uống, thuốc kháng tiết hormon... Tuy nhiên, các thuốc này thường gây nhiều tác dụng phụ và khối u dễ tăng lại kích thước khi người bệnh dừng thuốc. Việc chỉ định phẫu thuật được áp dụng với bệnh nhân có UXTC to, chèn ép lên tử cung,... nhưng bệnh thường dễ tái phát.
Quang Dũng
Bình luận