Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng (Hand, foot, and mouth disease – viết tắt là HFMD) là tình trạng nhiễm virus có lây lan và gây ra các nốt phát ban, mụn nước ở khu vực lòng bàn chân, lòng bàn tay, xung quanh hoặc bên trong miệng của trẻ. Hiện tại, bệnh rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ em có độ tuổi cao hơn và rất dễ lây lan từ người này qua người khác. 

Trẻ hoàn toàn có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh này nhiều lần, nhưng triệu chứng của các lần tái phát sau sẽ ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn có khả năng đem lại nguy hiểm cho bé. Những triệu chứng của bệnh tay chân miệng có thể làm bé bị đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

hinh-anh-tre-bi-nhiem-benh-tay-chan-mieng.webp

Hình ảnh trẻ bị nhiễm bệnh tay chân miệng

Dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ bị tay chân miệng

Để nhận biết bé nhà mình có bị mắc tay chân miệng hay không, bố mẹ có thể theo dõi các triệu chứng của con thông qua từng giai đoạn bệnh:

Triệu chứng trong thời gian ủ bệnh (3 - 6 ngày)

Giai đoạn này trẻ có thể bị sốt (có thể sốt nhẹ khó nhận biết hoặc sốt cao 39oC - 40oC), đau họng. Ngoài ra, trẻ còn bị ho, chảy nước mũi và dãi, biếng ăn, tiêu chảy, kém linh hoạt. Nếu để ý kỹ, cha mẹ còn sờ thấy hạch ở cổ hay dưới hàm của con.

Giai đoạn toàn phát (sau 1 - 2 ngày)

Tay chân miệng khiến trẻ bị phát ban, nổi mụn nước ở các vị trí đặc hiệu trên da (tay, chân, mông) và loét miệng.

  • Loét miệng: Ban đầu xuất hiện nhiều bóng nước (ở niêm mạc má, lợi, lưỡi) có đường kính 2 - 3mm. Chúng sẽ vỡ rất nhanh rồi biến thành các vết loét, khiến trẻ tăng tiết nước bọt và bị đau rát. Vì vậy mà các con thường quấy khóc, biếng ăn trong thời điểm này.
  • Trên da: Xuất hiện các bóng nước hình bầu dục, màu xám, đường kính từ 2 - 10mm ở lòng bàn tay và chân. Khi sờ vào sẽ có cảm giác cộm vì chúng lồi lên trên da, nhưng ấn thì trẻ lại không bị đau. Những bóng nước tại đầu gối hay mông thường xuất hiện trên nền hồng ban.

Dấu hiệu liên quan đến thần kinh

Trong giai đoạn bệnh diễn biến nặng, khi virus đã xâm nhập tới hệ thần kinh trung ương, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng nguy hiểm là rối loạn tri giác như: Lơ mơ, mê sảng, ngủ li bì, co giật...

Ngoài các triệu chứng điển hình trên, bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ còn có một số biểu hiện không điển hình như: Bóng nước rất ít, xuất hiện xen kẽ với nốt hồng ban. Nhiều trường hợp chỉ có hồng ban hoặc loét miệng đơn độc.

>>> XEM THÊM: Bị tay chân miệng có ngứa không? - Hãy tìm hiểu ngay!

mot-so-dau-hieu-trieu-chung-cua-tay-chan-mieng.webp

Một số dấu hiệu, triệu chứng của tay chân miệng

Nguyên nhân khiến trẻ bị tay chân miệng

Hiện có 2 loại virus đường ruột là thủ phạm gây ra bệnh tay chân miệng gồm: Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trong đó, Coxsackievirus A16 thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, bé có thể tự khỏi. Tuy nhiên, chủng Enterovirus 71 thì nguy hiểm hơn, chúng để lại nhiều biến chứng, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.

Các em nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất vì lúc này, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, virus dễ dàng tấn công. Đặc biệt, nếu trẻ thường xuyên đến những nơi công cộng như nhà trẻ, khu vui chơi kém vệ sinh… thì nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn nhiều.

Ngoài ra, bé có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với bé khác đang bị tay chân miệng. Bệnh có thể lây qua các đường như nước miếng, chất lỏng của các mụn nước, phân, các giọt bắn của đường hô hấp khi người bị ho, hắt hơi,...

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Hỏi về mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, giới chuyên gia nhận định, tình trạng này không đáng lo ngại. Nó chỉ gây sốt vài ngày với các triệu chứng tương đối nhẹ, sau đó sẽ tự khỏi mà không đe dọa tới sức khỏe của người mắc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm như:

  • Mất nước: Trẻ tiết nước bọt, chảy dãi nhiều, bị tiêu chảy gây mất nước. Tuy nhiên, họng đau khiến việc uống nước, ăn uống của trẻ gặp khó khăn nên tình trạng mất nước càng trầm trọng. 
  • Liệt, yếu cơ: Người gầy ốm, chân tay yếu, mất khả năng vận động.
  • Viêm màng não, tủy: Bệnh gây tử vong nhanh, di chứng nặng.
  • Sưng, viêm não: Biến chứng này có khả năng đe dọa tính mạng, nếu chữa khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh.
  • Biến chứng trên hô hấp, tuần hoàn: Tổn thương cơ tim, trụy tim mạch, suy tim, phù phổi cấp… gây tử vong nhanh chóng.

mot-so-bien-chung-co-the-gap-khi-be-bi-tay-chan-mieng.webp

Một số biến chứng có thể gặp khi bé bị tay chân miệng

Cách chữa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Các bậc phụ huynh thường quan tâm nhất tới phương pháp điều trị và chăm sóc cho trẻ bị tay chân miệng. Tùy vào triệu chứng bệnh nặng hay nhẹ mà chúng ta có thể chữa trị tại nhà hoặc phải cấp cứu y tế gấp.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà

Nếu cha mẹ thấy trẻ chỉ có các triệu chứng nhẹ như nổi mụn nước và loét miệng thì có thể thể chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho con tại nhà. Cụ thể:

  • Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước. Lưu ý tránh đồ ăn, thức uống có vị chua hoặc bỏ nhiều gia vị sẽ khiến họng của con đau hơn.
  • Thuốc uống: Không có thuốc chữa đặc hiệu mà việc dùng thuốc chỉ giúp giảm triệu chứng. Bố mẹ có thể cho con uống paracetamol hoặc ibuprofen (ibuprofen chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi) để hạ sốt và giảm đau. 
  • Thuốc dùng ngoài: Bố mẹ nên dùng dung dịch sát khuẩn bôi lên các vị trí bị thương tổn ngoài da của trẻ để tránh bội nhiễm. Một số thuốc bôi chứa nano bạc được đánh giá là vừa hiệu quả lại an toàn, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Ngoài ra, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối loãng (nếu trẻ có thể tự súc được).
  • Cách ly: Cách ly trẻ bị bệnh với các bé khác trong nhà. Nên mang khẩu trang y tế khi chăm sóc con.
  • Vệ sinh: Sau khi tiếp xúc cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để hạn chế sự lây lan. Nên ngâm quần áo của trẻ bị bệnh với dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc trong nước sôi rồi mới giặt lại bằng xà phòng. Vật dụng cá nhân dùng để ăn uống của trẻ (bình sữa, ly uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn...) cũng cần được luộc sôi. Tắm rửa cho bé hằng ngày với nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Hiện tại, chưa có các loại thuốc hay vacxin cho bệnh tay chân miệng. Vì vậy, trong quá trình bé bị nhiễm, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý giữ vệ sinh, sát trùng, sát khuẩn cho các nốt phát ban, bọng nước cẩn thận. Bố mẹ nên lựa chọn các sản phẩm kem bôi sát khuẩn có thành phần từ nano bạc sẽ giúp diệt khuẩn, kháng viêm tốt hơn và an toàn cho bé. Bởi vì thành phần này đã được nghiên cứu và chứng minh tác dụng bởi nhiều nhà khoa học trên thế giới cho thấy nano bạc có khả năng tiêu diệt được phần đa loại khuẩn gây bệnh chỉ với 1 lượng cực kỳ nhỏ.

Thông thường, bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt. Nhưng đôi khi bệnh sẽ tiến triển nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà. Lúc này, phụ huynh cần đưa con tới bệnh viện sớm.

>>> XEM THÊM: Nano bạc - Giải pháp mới cho bệnh ngoài da do nhiễm virus


nano-bac-co-tinh-khang-khuan-sat-trung-cao.webp

Nano bạc có tính kháng khuẩn, sát trùng cao

Khi nào cần đưa trẻ bị tay chân miệng tới bệnh viện?

Mặc dù bố mẹ có thể chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà nhưng luôn phải theo dõi thật kỹ. Một số trường hợp trẻ sẽ trở nặng và có thể gặp biến chứng nguy hiểm. Hãy đưa con tới bệnh viện ngay khi thấy bé có các biểu hiện sau:

  • Sốt cao trên 39oC và không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc sốt kéo dài hơn 48 giờ.
  • Đau cổ hoặc đau ngực, khó nuốt, quấy khóc.
  • Có mụn mủ, tiết dịch, sưng tấy, vùng ban đỏ lớn.
  • Dấu hiệu mất nước: Nôn ói nhiều, miệng khô dính, khóc không ra nước mắt, mắt trũng sâu, nước tiểu sẫm màu hoặc không đi tiểu từ 4 - 8 giờ.
  • Trẻ ngủ lịm đi hoặc hay giật mình, run rẩy, co giật.
  • Khó thở, nhịp thở nhanh nhưng nông, mạch đập nhanh.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng xuất hiện hoặc tái phát trở lại, bố mẹ sẽ cần thực hiện một số biện pháp, thay đổi thói quen sinh hoạt cho bé. Cụ thể như sau:

  • Hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là khi vừa chạm vào nốt phát ban, thay tã cho trẻ, đi vệ sinh, trước khi tiếp xúc với thức ăn... Ngoài ra, hãy dạy cả con bạn thói quen rửa tay thường xuyên.
  • Dạy trẻ hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy hay ống tay áo.
  • Bố mẹ cần đảm bảo thực hiện tốt vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống cho bé. Ví dụ như luôn đảm bảo ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống của trẻ cần được khử trùng (đơn giản nhất là ngâm nước sôi) hoặc vệ sinh sạch sẽ.
  • Bố mẹ cũng cần khử trùng mọi thứ mà con chạm vào thường xuyên (phòng tắm, đồ chơi…). Không để con dùng chung đồ cá nhân với người khác (khăn mặt, chậu, quần áo…).
  • Trong trường hợp trẻ đang bị tay chân miệng cần: Nhắc trẻ không chạm vào nốt ban, tránh đưa tay hoặc đồ chơi vào miệng và không dụi mắt. Tránh ôm và hôn trẻ, đặc biệt là trẻ đang nhiễm bệnh.

huong-dan-be-rua-tay-deo-khau-trang-dung-cach-de-ngan-ngua-tay-chan-mieng.webp

Hướng dẫn bé rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách để ngăn ngừa tay chân miệng

Một số câu hỏi thường gặp

Ngoài các thông tin về bệnh học tay chân miệng tổng quan, nhiều bậc phụ huynh còn có một số thắc mắc liên quan và mong muốn được giải đáp đó là:

Bệnh tay chân miệng có bị lại không?

Trẻ từng mắc tay chân miệng hoàn toàn có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí có khả năng gặp nguy hiểm hơn lần trước.

Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Trong khi đó, siêu vi đường ruột lại có rất nhiều chủng họ và dễ dàng lây lan. Một người có thể đã được hình thành miễn dịch với chủng virus đường ruột nào đó nhưng hoàn toàn có thể tái nhiễm tay chân miệng do những chủng virus khác.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?

Như chúng ta đã biết, virus gây bệnh tay chân miệng thường tồn tại trong nước bọt, đường tiêu hóa, phân, dịch ở mũi - họng và đặc biệt ở các nốt bọng nước. Do đó, tình trạng này có thể lây lan giữa người với người qua các con đường sau:

  • Đường tiếp xúc: Tiếp xúc với phân, chất dịch từ các bọng nước của người bệnh hoặc các vật dụng nhiễm virus (đồ chơi, quần áo, ly, bát, sàn nhà…).
  • Đường tiêu hóa: Ăn uống chung với người bệnh.
  • Đường hô hấp: Việc người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi, bắn nước bọt… có thể khiến người xung quanh nhiễm bệnh.

Trẻ bị tay chân miệng cần kiêng những gì?

Khi thấy con mình bị tay chân miệng, bên cạnh việc điều trị, chăm sóc, cha mẹ cũng cần lưu ý cho con tránh một số điều dưới đây:

  • Tránh để trẻ tiếp xúc với bé khác hoặc chơi chung đồ chơi nhằm hạn chế lây bệnh.
  • Không cho trẻ ăn thực phẩm giàu arginine (sô-cô-la, lạc, nho khô…) vì acid amin này có thể làm virus sinh sôi nhanh.
  • Thực phẩm cứng, mặn hoặc cay nóng không phù hợp với các con lúc này vì chúng sẽ làm bỏng rát cổ họng vốn đang tổn thương của trẻ.
  • Loại bỏ một số thực phẩm chứa chất béo bão hòa (đồ ăn nhanh, đồ chiên…) vì chúng làm các vết loét lan rộng hơn.
  • Nhắc trẻ kiêng gãi và hạn chế chạm vào các vết loét vì có thể gây bội nhiễm.

Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ bị tay chân miệng còn kiêng nước, kiêng gió cho con. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn sai lầm vì việc không tắm rửa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xấu phát triển. Tốt nhất là hãy vệ sinh sạch cho trẻ, đảm bảo môi trường xung quanh thoáng mát để hệ miễn dịch được tăng cường tối đa, từ đó đẩy lùi bệnh nhanh chóng.

>>> XEM THÊM: Bé bị tay chân miệng có kiêng ăn gì không? Xem đáp án tại đây!

tuyet-doi-khong-cho-be-an-do-an-cay-nong-khi-bi-tay-chan-mieng.webp

Tuyệt đối không cho bé ăn đồ ăn cay nóng khi bị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh lý rất dễ lây nhiễm và hoàn toàn có thể tái phát trở lại. Vì vậy, bố mẹ nên có những biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp để hạn chế bé nhiễm khuẩn tay chân miệng. 

Trên đây là những thông tin về bệnh tay chân miệng và hướng điều trị, chăm sóc cụ thể. Nếu bố mẹ còn có các thắc mắc hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bệnh tay chân miệng của bé cần giải đáp, hãy liên hệ ngay đến số hotline 024. 38461530 - 028. 62647169 để được hỗ trợ.

Link tham khảo:

https://www.webmd.com/children/guide/hand-foot-mouth-disease

https://www.nationwidechildrens.org/conditions/hand-foot-mouth-disease

https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/700childrens/2018/07/hand-foot-mouth-disease

Dược sĩ Nhật Hạ

SB Gel (2).webpSB com (1).webp

Bình luận