Những điều cần biết về tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ
Rối loạn nội tiết tố nữ có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, ngày nay rối loạn nội tiết tố ở nữ giới đang được trẻ hóa nhiều hơn. Vậy, rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng gì? Làm thế nào để giảm tình trạng rối loạn này? Hãy cùng theo dõi ngay bài chia sẻ dưới đây.
Hiểu về rối loạn nội tiết tố nữ là gì?
Rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một số loại hormone cần thiết trong máu. Hormone được mệnh danh là “sứ giả hóa học” của cơ thể bạn. Chúng được sản xuất bởi các tuyến của hệ nội tiết, di chuyển trong máu đến các cơ quan, mô khác nhau và truyền tín hiệu cho những cơ quan này cần biết phải làm gì, khi nào.
Các hormone nội tiết tố đóng vai trò điều chỉnh các quá trình chính của cơ thể. Ví dụ như trao đổi chất, sự phát triển, huyết áp, chu kỳ sinh sản, chức năng tình dục, tâm trạng, mức độ căng thẳng,…
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, lượng hormone nội tiết tố này bị sản xuất quá nhiều/quá ít dẫn đến sự rối loạn và mất cân bằng. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của phụ nữ, ngay cả sự mất cân bằng nhỏ cũng sẽ tạo ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Rối loạn nội tiết tố có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Trong khi ở nam giới là tình trạng mất cân bằng nồng độ testosterone, thì rối loạn nội tiết tố nữ giới thường là sự mất cân bằng của estrogen và progesterone. Một số trường hợp, sự mất cân bằng này còn xảy ra với hormone tăng trưởng, steroid, insulin, adrenaline,..
Rối loạn nội tiết tố nữ là quá trình tự nhiên của cơ thể
Cách nhận biết rối loạn nội tiết tố nữ
Các triệu chứng của rối loạn nội tiết tố nữ rất phổ biến, do đó đa số nữ giới sẽ không nhận ra và bỏ qua những dấu hiệu này. Điều này có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng nếu tình trạng rối loạn nội tiết tố ở nữ giới không được cải thiện.
Do đó, để xác định chính xác bạn có đang bị rối loạn nội tiết tố nữ hay không, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng. Cụ thể như sau:
Dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ lâm sàng
Nếu bạn có những dấu hiệu sau đây, hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra, thăm khám. Cụ thể bao gồm:
Thay đổi tâm trạng: Hormone estrogen có tác động đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin (giúp cải thiện tâm trạng). Khi số lượng hormone này bị rối loạn, tâm trạng của bạn cũng sẽ bị thay đổi theo. Ví dụ như chán nản, cáu kỉnh, buồn bã,…
Tăng cân không rõ lý do: Thường xảy ra do hormone tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp). Hoặc cũng có thể do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) do rối loạn hormone, insulin bị kém nhạy cảm hơn.
Kinh nguyệt không đều hoặc đau khi đến chu kỳ: Rối loạn hormone ở nữ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Bạn có thể gặp những tình trạng như kinh nguyệt không đều, nhiều hoặc ít hơn bình thường, đau bụng bất thường khi đến chu kỳ,…
Giảm ham muốn tình dục: Đây là một dấu hiệu phổ biến khi rối loạn nội tiết tố nữ xảy ra do giảm estrogen và testosterone (mặc dù là hormone của nam nhưng nữ giới cũng tồn tại hormone này).
Khô âm đạo: Bạn có thể thấy khó chịu, đau khi quan hệ tình dục. Thường xảy ra do estrogen suy giảm.
Một số dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố nữ
Mất ngủ, giấc ngủ kém chất lượng: Xảy ra do giảm estrogen và progesterone, giấc ngủ bị gián đoạn, đổ mồ hôi ban đêm, điều này sẽ góp phần gây ra sự mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ban ngày.
Các vấn đề liên quan đến da: Khô da, mụn trứng cá mãn tính có thể là dấu hiệu của suy giảm nội tiết tố estrogen và progesterone hoặc mức độ cao từ nội tiết tố androgen.
Các vấn đề liên quan đến sinh sản: Khó thụ thai, khả năng sinh sản suy giảm ở nữ giới. Xảy ra do hormone kích thích nang trứng (FSH) bị giảm nồng độ.
Một số dấu hiệu khác: Đau đầu, xương yếu (thường vào giai đoạn tiền mãn kinh/mãn kinh), tay chân lạnh, rụng tóc, vú tiết dịch bất thường, mặt sưng, mờ mắt, tăng cảm giác đói bụng, xuất hiện một số vết rạn da màu hồng hoặc tím…
Chẩn đoán nội tiết tố nữ như thế nào?
Một số kiểm tra sẽ được thực hiện để giúp bạn có thể xác định chính xác hơn về tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ. Ví dụ như một số phương pháp chẩn đoán sau:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các hormone trong máu như estrogen, testosterone, hormone tuyến giáp,…
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm,… để xác định các khối u, u nang,…
- Xét nghiệm nước tiểu: Đo mức độ hormone liên quan, đặc biệt đến chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ như hormone kích thích nang trứng (FSH),…
Xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán rối loạn nội tiết tố nữ
Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ
Sự rối loạn nội tiết tố nữ giới thường là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể theo thời gian. Các tuyến nội tiết sẽ hoạt động kém dần theo thời gian và gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố. Những tuyến nội tiết này sẽ bao gồm:
- Tuyến thượng thận.
- Tuyến tùng.
- Tuyến sinh dục (buồng trứng).
- Tuyến dưới đồi.
- Tuyến yên.
- Tuyến giáp, cận giáp.
- Đảo tụy.
Ngoài ra, cũng sẽ có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng này. Cụ thể như sau:
Các bệnh lý khác - gây ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường: Giảm sản xuất hormone insulin trong cơ thể.
- Rối loạn liên quan đến tuyến giáp: Ví dụ như cường giáp, suy giáp, nhân giáp đơn độc.
- Hội chứng Cushing: Tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều corticosteroid.
- Bệnh Addison: Tuyến thượng thận sản xuất không đủ hormone.
- Bệnh Acromegaly (to các viễn cực – đầu chi): Sự sản xuất quá mức của các hormone tăng trưởng.
- Tăng/hạ đường huyết: Tăng sản quá mức của glucan, insulin,…
- Các bệnh lý liên quan đến tuyến yên ví dụ như khối u.
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh.
- Các bệnh ung thư liên quan đến tuyến nội tiết. Đang thực hiện điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị.
- Nguyên nhân liên quan đến nội tiết, chu kỳ nữ giới: Hội chứng buồng trứng đa nang, suy yếu buồng trứng nguyên phát (POI), ung thư buồng trứng,…
- Một số bệnh lý khác: Hội chứng Turner (phụ nữ chỉ có 1 nhiễm sắc thể X hoạt động), viêm tụy di truyền, hội chứng Prader-Willi, chán ăn, thiếu iot, tổn thương tuyến yên (chảy máu hoặc bất thường do di truyền bẩm sinh),…
Rối loạn nội tiết tố nữ xảy ra do một số hormone bị tiết ra quá nhiều hoặc quá ít
Yếu tố nguy cơ – những yếu tố này làm tăng khả năng bị rối loạn nội tiết tố nữ cao hơn. Cụ thể như:
- Nữ giới trong giai đoạn dậy thì, hành kinh, mang thai, sinh con, cho con bú, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc sau giai đoạn mãn kinh.
- Rối loạn ăn uống, chán ăn, tâm thần,….
- Thường xuyên bị căng thẳng kéo dài, cơ thể sản xuất nhiều cortisol hơn dẫn đến nguy cơ bị hội chứng Cushing,…
- Đang áp dụng một số biện pháp tránh thai, kiểm soát sinh sản,..
Điều trị rối loạn nội tiết tốt nữ
Điều trị rối loạn nội tiết tố nữ chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp giúp cải thiện nội tiết tố, hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp,… Cụ thể như sau:
Các phương pháp cải thiện hormone
Một số phương pháp cải thiện nội tiết tố phổ biến thường được lựa chọn như:
Liệu pháp estrogen: Sử dụng các liệu pháp hormone thay thế (HRT) dưới dạng viên uống để bổ sung estrogen. Đối với các trường hợp bị khô âm đạo, bạn có thể được hướng dẫn sử dụng các loại kem bôi, vòng có chứa estrogen bổ sung.
Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố: Phương pháp này giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh. Ví dụ như sử dụng thuốc tránh thai, đặt vòng âm đạo, miếng dán ngừa thai, sử dụng một số dụng cụ tử cung (IUD),… Phương pháp này giúp cải thiện mụn trứng cá, bớt lông trên mặt.
Sử dụng thuốc chống androgen: Giúp ngăn chặn nội tiết tố androgen được sản sinh. Từ đó giảm các tình trạng rụng tóc, phát triển quá mức, mụn trứng cá,… Ví dụ như flutamide, spironolactone, cyproterone,…
Liệu pháp hormone tuyến giáp: Được sử dụng nếu bạn gặp các vấn đề rối loạn nội tiết tố nữ do hormone tuyến giáp gây ra. Ví dụ như levothyroxine,…
Thuốc kích thích rụng trứng: Ví dụ như Clomiphene, letrozole,… được sử dụng nếu bạn đang gặp vấn đề liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và đang cố gắng mang thai.
Liệu pháp Estrogen sẽ được sử dụng để cải thiện rối loạn nội tiết tố nữ
Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống
Ngoài những phương pháp trên, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống cũng sẽ giúp giảm các triệu chứng rối loạn nội tiết tố nữ. Cụ thể như sau:
Quản lý lối sống phù hợp:
- Thực hiện duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải.
- Tập thể dục thường xuyên hơn.
- Thực hành các bài tập yoga, thiền,… để giúp giảm và quản lý căng thẳng tốt hơn.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt ở những vùng thường tiết nhiều dầu nhờn như mặt, cổ, lưng, ngực,…
- Nếu đang gặp vấn đề liên quan đến mụn trứng cá, chỉ nên sử dụng các loại thuốc/kem/gel trị mụn phù hợp.
- Thay thế các loại chảo chống dính cũ bằng chảo sứ khi nấu ăn.
- Sử dụng hộp thủy tinh thay cho hộp nhựa để đựng, hâm nóng đồ ăn.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có chứa hóa chất độc hại.
Rối loạn nội tiết tố nữ nên ăn gì?
Bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm có thể giúp cân bằng hormone trong cơ thể. Cụ thể như sau:
- Bổ sung thực phẩm giàu axit béo như omega 3, 6, 9 (có nhiều trong các loại cá, hạt, bơ,…), những axit này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone.
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh đậm chứa nhiều vitamin (ưu tiên vitamin C, B), các loại khoáng chất như magie, kẽm,… Chúng đều tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hormone, điều hòa nội tiết tố trong cơ thể,…
- Hạn chế các loại thực phẩm có chứa carbohydrate, đường tinh chế, các loại thức ăn cay, nóng.
- Uống đủ số lượng nước cơ thể cần từ 1,5-2L nước/ngày..
Các axit béo trong cá đóng vai trò quan trọng giúp giảm rối loạn nội tiết tố nữ
>>>XEM THÊM: Suy giảm sinh lý nữ - Hiểu để điều trị hiệu quả và lành mạnh
Rối loạn nội tiết tố nữ nên uống gì?
Bạn cũng có thể cân bằng nội tiết tố nữ bằng những loại viên uống bổ sung hoặc các loại thảo dược tự nhiên, lành tính cho cơ thể. Ví dụ như đương quy, bạch thược, trinh nữ Châu Âu, hương phụ, ích mẫu, methylsulfonylmethane (MSM),… Trong đó:
- Methylsulfonylmethane (MSM): Có tác dụng giúp giảm cân, kích thích lưu thông máu, tăng cường cải thiện tâm trạng. Hỗ trợ cho hội chứng tiền kinh nguyệt, mệt mỏi mãn tính.
- Trinh nữ Châu Âu: Giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh, cân bằng hormone nữ giới.
- Đương quy: Giúp hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, bổ huyết, giảm đau bụng kinh, an thần.
- Hương phụ: Có vị cay, tính bình, giúp điều kinh, chỉ thống, hỗ trợ tốt cho các trường hợp kinh nguyệt không đều, bốc hỏa do mãn kinh,…
Khi phối hợp các thành phần, thảo dược này với nhau sẽ hỗ trợ tăng cường bổ sung sự thiếu hụt nội tiết tố ở nữ giới. Ngoài ra còn giúp cải thiện được các triệu chứng mệt mỏi, bốc hỏa, rối loạn cảm xúc, mất ngủ,… do rối loạn nội tiết tố nữ gây ra.
Một số thảo dược hỗ trợ giảm rối loạn nội tiết tố nữ
Rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng không thể tránh khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, bạn có thể kiên trì áp dụng những phương pháp ở trên để cải thiện và giảm sự khó chịu do các triệu chứng mà rối loạn nội tiết tố gây ra. Trên đây chỉ là các thông tin tham khảo liên quan đến rối loạn nội tiết tố ở nữ giới. Hãy để lại câu hỏi ở phần bình luận nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, đội ngũ chuyên gia sẽ giải đáp giúp bạn.
Link tài khảo:
https://www.gleneagles.com.sg/healthplus/article/common-signs-hormonal-imbalance-women
https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-hormone-imbalance
Bình luận