Tất tần tật về viêm da cơ địa - Thông tin hữu ích bạn cần biết
Viêm da cơ địa là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là thể chàm (Eczema) phổ biến nhất, không lây nhiễm và gây ra tình trạng da ngứa,đỏ, khô tại vùng bị viêm, đây là bệnh lý mạn tính. Hiện tại, viêm da cơ địa và thể chàm khác nói riêng đều chỉ có thể điều trị, kiểm soát triệu chứng và chưa có cách trị khỏi hoàn toàn. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, trong đó, viêm da cơ địa ở trẻ em khá phổ biến.
Viêm da dị ứng tuy không gây hại cho cơ thể, nhưng làm hỏng hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Điều này có thể khiến cho da trở nên nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng hơn.
Ngoài ra, viêm da cơ địa nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bội nhiễm, đe dọa gây ra biến chứng nghiêm trọng như: Gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhiễm trùng huyết, viêm tế bào mô, mù lòa, dị ứng,...
Viêm da cơ địa gây ngứa ngáy, khó chịu
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Tương tự các thể chàm khác, các chuyên gia hay bác sĩ da liễu chưa thể xác định được quá nhiều thông tin liên quan đến nguyên gây gây viêm da cơ địa. Bệnh lý này có thể bắt nguồn từ di truyền, hệ miễn dịch suy yếu hoặc cơ địa dị ứng. Cụ thể như sau:
Di truyền: Khi có bố hoặc mẹ bị viêm da cơ địa thì tỷ lệ mắc bệnh của con lên đến 60%. Đặc biệt, nếu có cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh của con là 80%.
Hệ miễn dịch suy yếu: Bình thường, hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân lạ xâm nhập. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn sẽ mất khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, làm khởi phát hoặc bùng phát triệu chứng viêm da cơ địa.
Cơ địa dị ứng: Những người có làn da mỏng, yếu, nhạy cảm dễ bị viêm da cơ địa hơn. Đặc biệt, khi tiếp xúc với yếu tố khác từ môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn, côn trùng,... có thể làm cho bệnh nghiêm trọng hơn.
Ngoài những nguyên nhân trên, sẽ có một số yếu tố tác nhân khác có thể gây ra tình trạng viêm da cơ địa. Cụ thể như sau:
- Tiếp xúc nhiều và thường xuyên với không khí lạnh, khô.
- Da tiếp xúc với các hóa chất có thể gây kích ứng, các loại vật liệu thô ráp thường xuyên cũng có thể gây tổn thương da và viêm da.
- Luôn ở trong trạng thái căng thẳng thường xuyên.
- Tắm quá nhiều lần, không dưỡng ẩm da đúng cách.
- Thường xuyên sử dụng các loại nước hoa, mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc có thêm cồn, hương liệu hoặc chất bảo quản.
Những đối tượng dễ bị viêm da cơ địa có thể bao gồm:
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Tuy nhiên có một số trường hợp viêm da cơ địa sẽ tự biết mất khi trẻ trưởng thành.
- Người bị Sốt hoa cỏ.
- Người đang bị hen suyễn hoặc các dị ứng liên quan đến đường hô hấp.
Nhận biết bạn có bị viêm da cơ địa hay không?
Để nhận biết bạn có bị viêm da cơ địa hay không, bác sĩ hoặc chuyên viên y tế có thể thực hiện kiểm tra qua các dấu hiệu điển hình của bệnh. Ngoài ra, họ cũng có thể thực hiện một vài phương pháp chẩn đoán để xác định bệnh và nguyên nhân chắc chắn hơn,
Nhận biết qua triệu chứng điển hình viêm da cơ địa
Triệu chứng của viêm da cơ địa ở mỗi người không giống nhau. Một số dấu hiệu chung thường gặp như:
- Da khô, một vài trường hợp kèm theo tình trạng da bị nhăn nheo dưới mắt, lòng bàn tay..
- Ngứa, nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
- Da dày, nứt nẻ gây đau, một số trường hợp có chảy máu, có vảy.
- Nổi mụn nước ở một số trường hợp, chất lỏng trong mụn nước này có thể chảy ra.
- Một số dấu hiệu khác không điển hình: Bị hen suyễn, dị ứng, xuất hiện vảy cá, xuất hiện sự trầm cảm, lo lắng, mất ngủ.
Bên cạnh triệu chứng chung thì tùy vị trí mà viêm da cơ địa có những biểu hiện khác như:
- Viêm da cơ địa ở tay: Ngứa ngáy, da khô, bong tróc, mẩn đỏ chủ yếu ở lòng bàn tay, ngón tay.
- Viêm da cơ địa ở chân: Tình trạng da khô, bong tróc, mụn nước ngứa ngáy chủ yếu ở bắp chân, lòng bàn chân và giữa kẽ chân.
- Viêm da cơ địa ở mặt: Da mặt sần sùi, vảy trắng, đỏ da, mụn nước nhỏ mẩn ngứa quanh miệng.
Thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng
Ngoài những dấu hiệu điển hình của viêm da cơ địa, các bác sĩ cũng sẽ thực hiện thêm các biện pháp y khoa để chẩn đoán nguyên nhân, xác định chắc chắn người bệnh có bị loại viêm da cơ địa hay không. Những phương pháp chẩn đoán này có thể bao gồm xét nghiệm máu (kiểm tra nguyên nhân phát ban), Sinh thiết da (xác định đúng bệnh lý), kiểm tra dị ứng trên da (test áp da, test lẩy da, test khả năng hấp thụ các dị nguyên phóng xạ).
Vảy trắng, đỏ da là dấu hiệu của viêm da cơ địa ở mặt
Các phương pháp điều trị viêm da cơ địa
Đây là bệnh lý mạn tính, vì vậy các phương pháp điều trị viêm da cơ địa sẽ tập trung chính vào việc kiểm soát triệu chứng viêm da. Mục tiêu trong điều trị viêm da cơ địa sẽ bao gồm:
- Kiểm soát các yếu tố gây ra và làm trầm trọng bệnh.
- Kiểm soát các triệu chứng của viêm da.
- Tăng cường sự chữa lành và ngăn nhiễm trùng cho da.
- Hạn chế tái phát triệu chứng viêm da ở mức độ thấp nhất.
Dựa vào các mục tiêu đó, các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ như sử dụng thuốc điều trị, liệu pháp ánh sáng,... Cụ thể như sau.
Thuốc trị viêm da cơ địa
Sẽ có một số loại thuốc được sử dụng để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tình trạng viêm da cơ địa nghiêm trọng hơn. Thường sẽ bao gồm cả kem bôi hoặc thuốc viên uống.Ví dụ như:
- Kem bôi Corticoid: Giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy, da bong tróc. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc vì có thể khiến da bị mỏng đi.
- Thuốc uống Corticoid: Tuy có hiệu quả cao nhưng nhóm thuốc này không được sử dụng kéo dài vì tác dụng phụ thường gặp như: Suy tuyến thượng thận, phù, huyết áp cao,....
- Nhóm thuốc ức chế calcineurin: Thuốc bôi này dùng cho trẻ trên 2 tuổi, bôi lên da sau khi dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhóm thuốc ức chế calcineurin làm tăng khả năng mắc ung thư, tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được chứng minh.
- Thuốc chống nhiễm trùng: Gồm các loại kem hoặc thuốc kháng sinh nếu da có tình trạng nhiễm trùng, lở loét,...
- Thuốc kiểm soát tình trạng viêm: Chẳng hạn như prednisone.
- Thuốc tiêm Dupilumab: Đây là phương pháp mới được phê duyệt bởi FDA cho những người có tình trạng nặng hơn mà những phương pháp điều trị khác không thể đáp ứng.
Dùng thuốc tây giúp điều trị viêm da cơ địa
Các phương pháp trị liệu khác
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh có thể được kết hợp thêm các phương pháp điều trị viêm da cơ địa khác. Ví dụ như:
Liệu pháp băng ẩm: Sử dụng kem giảm triệu chứng tại vùng da đã được làm ẩm, sau đó sẽ được băng lại bằng một lớp băng ẩm và một lớp băng giữa khô. Phương pháp này làm tăng sự hấp thu của các loại kem bôi viêm da dị ứng.
Liệu pháp ánh sáng: Được sử dụng cho những trường hợp không hiệu quả với các biện pháp trên. Phương pháp đơn giản nhất được sử dụng điều trị viêm da cơ địa là cho da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, sử dụng tia cực tím nhân tạo UVA, UVB cũng có thể sử dụng kết hợp với thuốc hoặc điều trị đơn độc.
Sử dụng các loại thảo dược giúp làm giảm triệu chứng
Ngoài các cách điều trị Tây Y, một số người bệnh đã sử dụng thêm các bài thuốc, thảo dược khác để giúp kiểm soát và làm giảm các triệu chứng viêm da cơ địa. Những bài thuốc này hầu hết được lưu truyền và cũng chưa có thông tin quá rõ ràng về tính hiệu quả và an toàn của nó. Vì vậy, những bài thuốc được giới thiệu sau đây chỉ nên mang tính chất tham khảo.
Bài thuốc Tiêu phong tán
Bài thuốc Tiêu phong tán thường được áp dụng ở giai đoạn viêm da cơ địa cấp với các triệu chứng như da viêm đỏ, nổi nhiều mụn nước, phù nề, ngứa ngáy, đau rát,...
Nguyên liệu: Thổ phục linh, bồ công anh, kim ngân hoa, rau má, sài đất, thương truật và sinh địa mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, khổ sâm, đương quy và kinh giới mỗi thứ 10g, tri mẫu, ngưu bàng tử, phòng phong, thạch cao mỗi thứ 8g, thuyền thoái 6g.
Cách thực hiện: Rửa tất cả dược liệu, sau đó sắc với 700ml nước đến khi còn lại ½. Nước thu được uống trong ngày.
Bài thuốc Kinh phòng bại độc tán
Bài thuốc Kinh phòng bại độc tán giúp giải độc, thanh nhiệt, tán phong và trừ thấp. Nguyên liệu: Phòng phong, chỉ xác, khương hoạt, bạch tiên bì, liên kiều, hoàng liên, hoàng cầm, xuyên khung, kinh giới, độc hoạt và sài hồ mỗi thứ 8g, thuyền thoái 4g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, bồ công anh, ngân hoa, phục linh mỗi thứ 12g, khổ sâm 10g.
Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc đông y giúp cải thiện viêm da cơ địa
Một số biện pháp dân gian điều trị viêm da cơ địa tại nhà như:
Chữa viêm da cơ địa bằng lá đu đủ
Lá đu đủ có tác dụng ức chế vi khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da. Không chỉ vậy, enzyme papain và chymopapain trong lá đu đủ còn giúp giảm sưng viêm, vitamin A và C giảm ngứa.
Chuẩn bị nguyên liệu: Lá đu đủ, lá đinh lăng, 1 củ khoai tây
Cách thực hiện: Lá đinh lăng và lá đu đủ rửa sạch đem ngâm nước muối pha loãng 5 phút rồi thái nhỏ. Khoai tây gọt vỏ, thái lát. Giã tất cả nguyên liệu trên sau đó đắp lên vùng da bị bệnh. Đến khi hỗn hợp khô rửa lại bằng nước ấm. Thực hiện 2,3 lần/tuần.
Sử dụng giấm táo giảm viêm da cơ địa
Giấm táo giúp khắc phục tình trạng bong tróc, sưng đỏ, ngứa ngáy ở người viêm da cơ địa. Tuy nhiên, giấm táo chứa hàm lượng lớn acid nên có thể gây hỏng mô mềm của da, khiến bệnh nặng thêm. Vì vậy, khi sử dụng giấm táo nên pha loãng trước khi bôi lên da.
Cách thực hiện: Hòa tan 1 muỗng giấm táo trong 1 cốc nước ấm. Dùng bông sạch thấm và thoa đều lên vùng da bị tổn thương, dùng băng gạc băng lại trong 3 giờ. Rửa lại bằng nước ấm sạch.
Bài thuốc chữa viêm da cơ địa từ thảo dược quý
Vì tính an toàn, hiệu quả của những bài thuốc đông y trên chưa có quá nhiều thông xác minh, do đó, người bệnh thường tìm đến những loại thảo dược được nhiều người sử dụng hiệu quả. Trong những loại thảo dược đó, có sói rừng, nhũ hương, hoàng bá, thổ phục linh,... giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm da cơ địa. Thực tế, cây sói rừng cũng đã được chứng minh có tác dụng điều hòa miễn dịch, tăng cường khối lượng cơ quan miễn dịch, giúp tăng phản ứng miễn dịch có lợi, ức chế phản ứng miễn dịch có hại.
Cây sói rừng có công dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu của viêm da cơ địa
Phòng ngừa và kiểm soát yếu tố gây viêm da cơ địa
Để hỗ trợ cho quá trình điều trị viêm da cơ địa, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Những biện pháp này cụ thể như sau:
Kiểm soát các yếu tố gây viêm da cơ địa
Phương pháp kiểm soát các yếu tố gây viêm da cơ địa bao gồm:
- Bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên: Bôi kem dưỡng ẩm hai lần một ngày giúp cải thiện tình trạng da khô. Nên lựa chọn một loại kem dưỡng phù hợp với làn da.
- Tránh những yếu tố làm viêm da cơ địa tái phát: Một số tác nhân như béo phì, xà phòng, căng thẳng, chất tẩy rửa, bụi và phấn hoa,... có thể kích thích khiến bệnh bùng phát.
- Sử dụng xà phòng tắm nhẹ: Chọn loại xà phòng nhẹ giúp khử mùi và diệt khuẩn. Nên tắm nước ấm và trong khoảng thời gian giới hạn (10 - 15 phút).
- Sử dụng đều đặn các loại thuốc chống dị ứng, chống ngứa theo yêu cầu, chỉ định từ bác sĩ.
- Hạn chế gãi vào vùng da khi bị ngứa. Thay vào đó bạn có thể ấn vào da. Đối với trẻ em, trẻ sơ sinh, cần cắt tỉa móng tay, đeo găng tay, đặc biệt vào ban đêm để hạn chế việc bé gãi, chạm vào vết ngửa.
- Sử dụng máy tạo ẩm trong không gian phòng ở. Đặc biệt cần thiết với những khu vực hanh, khô.
- Nên mặc quần áo có chất liệu vải trơn, mềm, tránh gây kích ứng thêm cho làn da.
- Nếu người bệnh đang gặp các vấn đề liên quan đến căng thẳng, cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu. Bởi, căng thẳng có thể làm tình trạng viêm da cơ địa trầm trọng hơn.
Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp
Ngoài thực hiện các yếu tố kiểm soát, phòng ngừa, người bệnh viêm da cơ địa nên thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học. Điều này sẽ giúp cơ thể có thêm sức đề kháng, hỗ trợ giảm triệu chứng viêm da. Cụ thể:
Viêm da cơ địa nên kiêng ăn các loại thực phẩm sau:
- Đồ ăn nhiều đạm: Thịt đỏ hoặc các loại thịt chứa nhiều chất béo khiến dạ dày khó tiêu hóa và làm cho da bị sưng viêm. Chính vì vậy, người bị viêm da cơ địa nên hạn chế những thực phẩm này.
- Đồ ngọt: Các loại bánh ngọt, kẹo, đường trắng… nếu lạm dụng quá nhiều sẽ dẫn đến tăng đường huyết, gây kích ứng, mẩn đỏ da. Ngoài ra, phẩm màu, chất phụ gia cao trong những thực phẩm này có thể gây nổi mụn nước hoặc dẫn tới sưng viêm.
- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Lượng tinh bột lớn sẽ kéo theo nguy cơ đầy bụng, khó tiêu, táo bón,… tăng lượng ứ khí, giải phóng qua da tạo thành nốt mẩn ngứa, sưng viêm. Vì vậy, người bị viêm da cơ địa không nên ăn nhiều tinh bột.
Người bị viêm da cơ địa nên ăn một số thực phẩm sau để tránh bệnh bùng phát:
- Thực phẩm chứa vitamin và chất xơ: Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ giúp phục hồi cho làn da. Vitamin A giúp tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch có trong các thực phẩm như cà rốt, đu đủ, bí đỏ,... Vitamin B (trong cải bó xôi, súp lơ xanh, ngũ cốc,...) tái tạo mô biểu bì, phục hồi làn da tổn thương. Vitamin E giúp da mềm mịn hơn, chống lão hóa có trong đậu tương, đậu phộng, giá đỗ,...
- Acid béo và omega 3: Acid béo giúp làm bền vững mô liên kết dưới da, hạn chế sự phát triển của viêm da cơ địa. Vì vậy, người bệnh nên ăn một số thực phẩm chứa nhiều acid béo như cá hồi, cá chép,...
Viêm da cơ địa nên ăn thực phẩm giàu acid béo và omega
Viêm da cơ địa gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người mắc. Vì thế ngay từ khi phát hiện bệnh hãy tìm cách điều trị hợp lý để cải thiện nhé. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về cách điều trị bệnh viêm da cơ địa, hãy để lại số điện thoại hoặc bình luận để được hỗ trợ tốt nhất.
Link tham khảo:
https://www.niaid.nih.gov/diseases-conditions/eczema-treatment
https://emedicine.medscape.com/article/1049085-treatment
https://www.medicinenet.com/atopic_dermatitis/article.htm
https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/eczema/eczema-basics
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19382462/
Bình luận