Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất nhiều tới bệnh xương khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp (VKDT).

Khi thời tiết lạnh, ẩm chính là lúc bệnh VKDT trở nên trầm trọng, các khớp dễ bị sưng tấy, đau đớn. Nguyên nhân do sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như: độ nhớt của máu và dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể... Chính sự thay đổi này góp phần làm xuất hiện đợt đau xương khớp, đồng thời có thể gây cứng khớp.

VKDT biểu hiện bằng tình trạng viêm khớp kéo dài, bệnh nhân thấy sưng đau nhiều khớp, thường gặp là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân... có tính chất đối xứng. Sau nhiều đợt viêm cấp tính hoặc sưng đau kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, các ngón tay, ngón chân bị teo cơ, co quắp, khiến cho chức năng vận động giảm sút, thậm chí dẫn tới tàn phế.

 

Một đặc điểm quan trọng trong điều trị VKDT là phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc như: thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm... Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ.

 


Thu Hương

(Theo Phụ Nữ Việt Nam, ngày 19/10/2011)

 

Bình luận