Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mạn tính, rất dễ tái phát. Do đó, việc nhận biết những yếu tố thuận lợi gây bệnh sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế khả năng viêm khớp dạng thấp tái phát.

Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp trên thế giới chiếm khoảng 1% dân số, thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên. Đây là bệnh tự miễn điển hình với sự tham gia của nhiều yếu tố như: virus, vi khuẩn; cơ địa (giới tính, tuổi); di truyền,...

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp là do cơ chế tự miễn, khiến hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tấn công vào khớp và mô. Người bệnh bị sưng, nóng, đỏ, đau đối xứng tại các khớp như khớp bàn tay, cổ tay, bàn – ngón tay, bàn – ngón chân, khớp gối,... Đến giai đoạn toàn phát, viêm khớp dạng thấp có thể gây biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần lưu ý đến một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh dễ tái phát. Cụ thể, đó là trong thời gian giao mùa, thời tiết nóng – lạnh đột ngột, lúc khô hanh – ẩm ướt sẽ kéo theo sự thay đổi của các yếu tố như: độ nhớt của máu, dịch khớp,... góp phần làm xuất hiện đợt đau xương khớp. Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp cũng dễ xảy ra khi cơ thể suy yếu, bị chấn thương, phẫu thuật,… Vì vậy, người bệnh cần có chế độ dự phòng thích hợp để ngăn chặn nguy cơ viêm khớp dạng thấp tái phát và tiến triển nặng hơn vào những thời điểm này.

Về điều trị, bác sĩ thường cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào ổ khớp, hay thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm… Tuy nhiên, những thuốc này chỉ có thể giảm triệu chứng đau, giảm viêm tạm thời, bệnh dễ tái phát khi dừng thuốc. Đặc biệt, chúng có thể gây nhiều tác dụng phụ như: loét dạ dày tá tràng, độc với gan, thận và cơ quan tạo máu… Nếu khớp sưng, biến dạng quá mức, người bệnh có thể phải phẫu thuật cắt bao hoạt dịch khớp hoặc thay khớp.

Quốc Anh

Bình luận