Theo thống kê cho thấy, trong số các bệnh nhân mắc gút thì tỉ lệ nam giới chiếm hơn 93%. Trong đó, lứa tuổi khởi phát bệnh tập trung nhiều nhất vào hai nhóm: từ 40 đến 49 tuổi (chiếm gần 23%) và từ 50 đến 59 tuổi (chiếm gần 28%).

Theo TS.BS Lê Anh Thư – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, bệnh viện Chợ Rẫy, gút là bệnh viêm khớp thường gặp, nhất là ở nam giới. Nguyên nhân chính là do rối loạn chuyển hóa purin và lối sống thiếu khoa học như: gia tăng tiêu thụ lượng bia, rượu, ăn quá nhiều chất đạm; sử dụng thiazide (điều trị tăng huyết áp) và liều nhỏ aspirin trong điều trị các bệnh tim mạch; gia tăng người béo phì, huyết áp, lipid máu...

hoàng thống phong - bệnh gút (Ảnh minh họa)

Bia, rượu làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh gút.

Cơn gút cấp tính thường xảy ra đột ngột vào ban đêm khiến người bệnh đau đến mất ngủ. Các khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội, mức độ tăng dần, khẽ va chạm cũng đau. Trong cơn đau, người bệnh có thể sốt vừa hoặc sốt nhẹ, mệt mỏi, nước tiểu ít và đỏ. Cơn đau kéo dài khoảng 5-7 ngày, các dấu hiệu của viêm giảm dần. Sau đó, cơn gút cấp tính tái phát thường xuyên hơn, tăng dần, trở thành gút mạn tính và việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu người bệnh không thực hiện chế độ dự phòng và điều trị đúng cách thì có thể phải đối mặt với những biến chứng như: biến dạng khớp, nổi hạt tophy gây loét, tổn thương thận (sỏi thận, suy thận,…).

Bệnh gút có thể kiểm soát nhưng phải tuân thủ chế độ ăn uống và phương pháp điều trị nghiêm ngặt. Khi bị cơn gút cấp tính, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc chống viêm, dung dịch kiềm, thuốc an thần. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối và khó khăn nhất trong điều trị gút là việc quá lạm dụng thuốc chống viêm. Bởi vậy, số đông bệnh nhân gút mạn tính nhập viện kèm theo các bệnh lý về dạ dày, gan, thận… do tác dụng phụ của nhóm thuốc này.Hà My

Bình luận