Liên tục tiếp xúc với những âm thanh quá mức sẽ khiến đôi tai bị suy giảm thính lực. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có sự nghỉ ngơi hợp lý thì bệnh rất khó hồi phục.

Hiện nay, ở các đô thị lớn, tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn đã đến mức báo động. Một vấn đề phổ biến và rất đáng chê trách là chuyện lạm dụng còi xe. Bên cạnh đó, có không ít xe đã quá hạn sử dụng, động cơ kêu to bất thường và  xả ra lượng lớn khí thải làm cho người đi sau không chịu nổi. Điều đó đã làm cho tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn thêm trầm trọng.

Việc tiếp xúc lâu với âm thanh quá ngưỡng cho phép sẽ gây giảm thính lực không thể hồi phục. Nếu tiếp xúc với tiếng ồn cường độ cao trong thời gian ngắn, chứng giảm thính lực có thể hồi phục trong vài giờ tới một ngày. Song, bệnh có thể trở thành vĩnh viễn nếu đôi tai tiếp tục bị tiếng ồn “hành hạ”.

Tiếng ồn dẫn đến các tổn thương chức năng (gây căng thẳng, rối loạn về tim mạch, tiêu hóa) và thực thể (gây tổn thương tại ốc tai, cơ quan tiếp nhận âm thanh). Khi phải liên tiếp chịu đựng tiếng ồn mà không có thời gian nghỉ ngơi, các tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị phá hủy. Càng nhiều tế bào thần kinh này bị phá hủy thì thính lực càng suy giảm. Khi đã bị hủy hoại hoàn toàn, người bệnh có thể bị điếc vĩnh viễn và thính lực không thể hồi phục. Điều đáng lo ngại là tiếng ồn tích lũy từ từ và không gây đau đớn cho người bệnh nên rất khó để nhận biết tình trạng suy giảm thính lực đã tới mức độ nào.

Chủ động bảo vệ thính lực cho đôi tai

Để bảo vệ thính lực, giúp đôi tai luôn khỏe mạnh, người bệnh cần chủ động tìm kiếm những biện pháp phòng ngừa tiếng ồn và ngăn chặn suy giảm thính lực. Chẳng hạn như sử dụng các dụng cụ bịt tai chuyên nghiệp, trang bị những vật liệu hấp thụ âm thanh tại nơi làm việc… Để hồi phục thính lực, người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm có khả năng tăng cung cấp dưỡng chất cho tế bào thần kinh tai.

Hoàng Nam

Bình luận